Mức Công Phu Niệm Phật Từ Yếu Đến GiỏiTrong ngày hôm nay có một số vị ở bên Âu Châu, bên Đức gọi qua, người ta nói những lời rất là tha thiết, mà rất là dễ thương, cảm động! Những đạo tràng ở bên Đức, Thụy-Sỹ, Tiệp-Khắc… người ta cũng phát tâm công phu theo như Niệm Phật Đường của chúng ta. Người ta đã tự nhận làm công cứ. Đây cũng là một cái duyên rất hay.

Trở về cách công phu chúng ta đang hô hào ở tại đây là vận động công cứ. Thì công cứ này hoàn toàn là tự nguyện, không phải bắt buộc. Có thể quý vị lập công cứ ghi điểm cũng được, tức là cầm cái tờ công cứ để ghi số. Hoặc là tự mình lập ra công cứ riêng, ví dụ như một ngày tôi sẽ dành ra ba tiếng đồng hồ để niệm Phật, thì chúng ta cố gắng làm sao dành ra ba tiếng đồng hồ để niệm. Hoặc là, có người nói một ngày tôi niệm ba chục chuỗi… thì đó là công cứ của mình. Cũng giống như có người nói, bây giờ tôi không tính chuỗi, mà tôi tính hơi thở. Cứ nằm xuống thở ra: “A-Di-Đà Phật”, thở vô: “A-Di-Đà Phật”… thì đó cũng công cứ.

Có rất nhiều cách công cứ, mà cái công cứ hay nhất, cụ thể nhất, thường thường bây giờ ở những đạo tràng người ta đang thực hiện, đó chính là làm những cái bảng để ghi nút nút nút vào đó. Khi nhìn vào đó mình biết mức công phu của mình đang đi tới đâu…

Bây giờ ở Việt Nam cũng có rất nhiều đạo tràng cũng đã xin nhận công cứ rồi. Bên Âu Châu, bên các nước khác nữa… Hiện nay chúng tôi đang soạn chương trình để gởi cho họ. Phải viết giấy đàng hoàng, cần dặn dò cẩn thận chứ nhiều khi có nhiều người thường vọng tưởng, tức là khi người ta lập công cứ như vậy thì cứ tưởng rằng mình chứng đắc?! Đây là điều không được đúng!

Xin nhắc nhở lại, công cứ này chỉ giúp cho ta có cái nấc thang để đi, đi cho vững vàng. Chúng ta nên nhớ là sau cùng ít ra chúng ta cũng niệm cho được mười niệm để vãng sanh. Đây là mức thấp nhất, tệ nhất chứ không phải là cao nhất đâu.

Nếu chúng ta nghĩ rằng, mười niệm dễ quá thì coi chừng bị rớt đài! Chính vì vậy mà Hòa Thượng Tịnh-Không khuyên chúng ta cố gắng công phu để đạt đến Thượng-Phẩm, nếu có trở ngại gì thì cũng rớt xuống Trung-Phẩm, Trung-Thượng-Phẩm… Trung-Hạ-Phẩm. Nếu mà chúng ta cố gắng đạt đến công phu Trung-Phẩm, thì có rớt cũng rớt xuống Hạ-Phẩm, chúng ta cũng được về Tây Phương. Nếu mà chúng ta chỉ đạt cái tiêu chuẩn Hạ-Phẩm thì thường thường là thi rớt. Ví dụ như đi thi, người nào mà chuyên cần học, quyết học cho được đậu cao, thì có thể còn xuống hàng trung trung. Nếu người nào học mà nghĩ rằng đủ rồi, thì nhiều khi vô trong trường thi sẽ quên hết! Trường thi của chúng ta là thi vượt qua sanh tử luân hồi. Lúc lâm chung không phải dễ đâu!…

Để cụ thể hơn, Diệu Âm đưa ra cái công cứ đã soạn ra để phổ biến cho đồng tu tại đây. Chương trình tại đây là như thế này…

Ngoài công phu sáng, tức là ở đây sáng thì từ 5 giờ đến 7 giờ. Quý vị ở nhà có thể thức từ 4 giờ đến 6 giờ, hoặc từ 9 giờ đến 10 giờ, hoặc là tu thêm cũng được… không sao hết. Riêng cách công phu sáng của Niệm Phật Đường chúng ta ở đây đã loan ra nhiều chỗ rồi, vì tu hay mà lại dễ. Vừa niệm Phật, vừa tụng kinh, vừa lạy Phật, lại vừa sám hối, (lạy Phật là sám hối), mà lại được có 30 phút để “Tập thể dục” nữa… Trong khóa công phu có cả thế gian pháp và Phật pháp được lồng vào trong đó, có vẻ hay, nên có nhiều người tham gia vào.

Công phu tối như chúng ta đang tu đây và những ngày tu tinh tấn thì không được tính vào công cứ. Mỗi ngày xin quý vị cần thêm công phu niệm Phật. Chúng tôi xin chia ra như thế này…

Nên nhớ rằng, chương trình này đưa ra chỉ để thẩm định công phu thôi, còn quý vị có theo thì theo, không theo thì thôi chứ không ai bắt buộc đâu. Chúng ta có thể tự do quyết định. Tự mỗi chúng ta phải lo lấy huệ mệnh của chính mình, không ai có thể lo cho mình được.

Công cứ chúng tôi đưa ra đây như thế này, mỗi ngày:

– Một người niệm từ không niệm câu nào hết cho đến dưới 1.000 câu. Nói về công phu thì thiếu công phu! Không có công phu! Tức là… Sáng có thể tu, chiều có thể tu, mà sau đó thì không chịu niệm Phật. Thì ở đây đánh giá rằng… là người không có công phu, và bản “Thẩm Định” thì cho rằng những người này chưa thật sự muốn vãng sanh. Tại vì nếu là người muốn vãng sanh thì không bao giờ có thời gian rảnh mà lại không chịu niệm Phật!?…

– Cái mức thứ hai là những người niệm từ 1.000 câu Phật hiệu cho đến 4.000 ngàn câu Phật hiệu một ngày. Họ tranh thủ để niệm được như vậy. Thì đây đã có công phu, nhưng mà “Công phu quá yếu”! Phải mau mau tăng thêm công phu. Đây là chiếc xe mới tập lăn, nhưng bị thiếu xăng rồi!… Xe lăn như vậy, sợ rằng đến lúc lâm chung chúng ta sẽ niệm không nổi mười niệm đâu. Đừng nghĩ niệm mười niệm là dễ dàng! Phải tập niệm cho nhập tâm. Nếu niệm không nhập tâm, thì niệm không nổi đâu. Chắc chắn! Vì công phu yếu quá, nên thường thường những thứ thế gian pháp, những chấp trước của thế gian thâm nhập vào tâm mình nhiều quá, đến lúc đó mình chịu không nổi! Xin chư vị có thể chiếu theo cái bản này mà tự nghiên cứu lấy nếu quyết lòng muốn đi về Tây Phương.

– Cái mức thứ ba là người niệm từ mức 5.000 câu cho đến 9.000 câu, dưới 10.000 câu. Thì mức này không gọi là quá yếu, mà gọi là “Yếu!”. Tức là dưới 10.000 câu vẫn là yếu, chưa đủ bảo đảm vãng sanh. Cần nên thêm công phu, không nên nghĩ vậy là đủ. Còn thiếu nhiều lắm!…

– Cái mức thứ tư là người nào niệm được từ 10.000 câu cho đến 14.000 câu, tức là chưa tới 15.000, thì công phu đã có. Công phu này “Được”, không đến nỗi quá yếu. Đây gọi là cái căn bản của người niệm Phật. Những người ví dụ như già quá rồi niệm không nổi nữa, thì cái mức 10.000 câu đến 14.000 câu nên cố gắng trì giữ để cho kịp… vì đã bịnh xuống rồi thì thời gian ra đi cũng không còn lâu nữa đâu, sợ rằng nếu sơ ý thì sau cùng chịu không nổi với nghiệp chướng. Thì ở đây chúng tôi thẩm định về căn bản là “Được”, và có thể tiếp tục giữ cái mức này dài lâu, không sao hết. Quan trọng là lòng chân thành của mình và cần nhờ ban hộ niệm tới giúp đỡ thì mình cũng có khả năng vãng sanh, nhưng mà cũng không chắc chắn lắm.

– Cái mức thứ năm là từ 15.000 câu cho đến 19.000 câu, tức là dưới 20.000 câu. Thì ở đây chúng tôi đánh giá là “Khá”. Những người nào mà niệm trên 15.000 câu, chưa tới 20.000 câu thì cũng được đánh giá là khá và có thể tiếp tục giữ cái mức này càng lâu càng tốt. Có thể giữ cho đến lúc lâm chung cũng được, và đây là điều đáng khuyến khích.

– Một cái mức nữa là những người niệm từ 20.000 câu cho đến 24.000 câu. Mức này được đánh giá là “Giỏi”. Xin chư vị khi niệm như vậy đừng nên quá trọng về số lượng, coi chừng khi mình coi trọng về số lượng thì niệm không rõ, niệm không vững, thì chủng tử A-Di-Đà Phật đi vào tâm của mình rất là yếu. Niệm như vậy cũng không có thể gọi là tốt được.

Mình phải thành thực với chính mình. Niệm phải niệm cho thật rõ ràng, dù nhanh cũng phải rõ ràng, dù lúc niệm thầm cũng phải rõ ràng từng câu từng câu. Chứ đừng nên ham số lượng nhiều quá! Về số lượng giấy tờ thì giỏi đó, nhưng về công lực thì yếu, cũng không nên. Hy vọng là những mức này có thể giúp cho chư vị tỉnh táo được cho đến lúc lâm chung. Nhất là khi được hộ niệm nữa thì đường vãng sanh không đến nỗi nào mà bi ai lắm.

– Còn những người niệm từ 25.000 câu trở lên. Là những người “Đặc biệt”, “Giỏi”, rất là “Đáng khen”. Nhưng xin thưa với chư vị là phải tập tùy sức mà niệm. Nếu mà mình niệm thấy từ 25.000 câu đến 30.000 câu mà thoải mái, pháp hỷ xung mãn thì chúng ta nên tiếp tục. Còn nếu mà mình cố gắng quá sức, làm cho mình bỏ ăn bỏ uống, làm cho mình xuống sức khỏe… thì chúng ta có thể chậm chậm lại một chút để giữ cho được cái mức quân bình vừa cả tâm lẫn thân mới tốt…

Những người niệm từ 25.000 câu trở lên được gọi là “Đặc biệt, quá đặc biệt”, thuộc vào hàng “Giỏi”, “Tinh tấn”. Xin nhắc nhở lại, là cần phải tùy sức đừng nên quá sức. Tại vì cố gắng quá sức cũng có thể dễ bị trở ngại!…

Đây là những cái mức chúng tôi đưa ra, xin quý vị có thể nhìn vào cái bản “Thẩm Định” này mà tự xét lấy mình. Nếu chúng ta quyết lòng nhất định đi về Tây Phương thì phải cố gắng, tự mình cố gắng, đừng có ỷ lại vào một cái gì hết. Thấy một người đó mê man bất tỉnh trong bệnh viện, đừng bao giờ nghĩ rằng mình không đến nỗi như vậy. Hòa Thượng Tịnh-Không nói, nghiệp chướng ai cũng có, bây giờ nó chưa có cái duyên, nó chưa có cái dịp trổ ra đó thôi, khi mà nó trổ ra rồi thì coi chừng nghiệp của mình còn nặng hơn người khác nữa mà không hay đó!…

Mong chư vị nghĩ đến huệ mạng ngàn đời ngàn kiếp, cố gắng tinh tấn tu hành. Mong cho tất cả chúng ta đều được thành tựu viên mãn…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)