Cháu Thoát Chết Nhờ Công Đức Niệm Phật Của Bà Có một vị liên hữu ở làng Bắc Đồn, ngoại ô của Đài Trung tên là Lại Lâm Trị, vì chồng của bà tên là Tuấn, cho nên mọi người đều gọi bà là thím Tuấn, năm nay bà sáu mươi bốn tuổi. Mỗi thứ tư và thứ bảy bà đều đến thư viện và Liên xã chùa Từ Quang nghe thuyết pháp; hai thời khóa tụng sáng, tối chỉ biết niệm Phật. Bà có một người con gái tên là Lan, năm mười tám tuổi đã lấy chồng và sanh được một đứa con trai tên là Đạt Tử. Mười ba năm trước lúc Đạt Tử vừa mới ba tuổi, một hôm đi chơi trước cổng, bỗng nhiên có một con heo nái chạy lại đụng ngã Đạt Tử, từ hôm đó trở đi bị sốt cao, lại hôn mê bất tỉnh, theo chẩn đoán của bác sĩ là viêm màng não. Trung y, Tây y, thuốc thang gì đều vô hiệu, hai mươi ngày sau thì chết! Vào khoảng 8 giờ tối là dứt thở, người trong nhà để Đạt Tử trên nền gạch trong phòng khách dùng một bao vải rách đắp lên, giấy khai tử mọi việc chuẩn bị xong, dự định sáng mai đem đi chôn.

Thím Tuấn nhìn thấy đứa cháu chết đi, vô cùng đau lòng, chiều tối đó đến thời khóa, bà vẫn cứ lên niệm Phật như thường, nhưng tình cảm đau thương khó mà ngăn chận. Bà vừa niệm Phật vừa khóc, hướng lên Phật Bồ Tát nói rằng: “Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát! Các Ngài sao không phò hộ cho con? Vùng này chỉ có mình con tin Phật, niệm Phật, vậy mà người ta còn cười con, đã nghèo mà còn bày đặt tin Phật, niệm Phật cái gì? Sau này nhất định họ càng cười con! Phật, Bồ Tát ơi! Các Ngài sao không phò hộ cho con?”. Thím Tuấn lại khóc to lên một hồi, rồi nặng nề lên giường đi ngủ, nhưng nhớ lại đứa cháu dễ thương bị chết đi, bà lăn qua lăn lại hoài mà không ngủ được. Vào khoảng 4 giờ hơn, bỗng nhiên thấy một đạo kim sắc quang minh (ánh sáng màu vàng) từ trong hư không xẹt thẳng vào trong nhà khách, ánh sáng rực rỡ không thể nghĩ bàn. Trong khoảnh khắc, bỗng nhiên nghe được tiếng của Đạt Tử hơn hai mươi ngày không biết khóc và tay chân cứng còng khóc ré lên! Thím Tuấn và con gái là A Lan, vội vã tới xem, thấy hai tay của Đạt Tử đã kéo cái bao vải ra, hai mẹ con vừa mừng vừa sợ, bế nó lên và rót cho nó một tí nước, thì nó cũng uống được, thật là không thể nghĩ bàn. Sáng sớm hôm sau, hai mẹ con lại bồng Đạt Tử đi Bắc Đồn cho bác sĩ khám, bác sĩ cũng thấy kỳ lạ, làm sao chết rồi mà sống lại? Bảo hai mẹ con nhanh chóng đưa lên bệnh viện tỉnh Đài Trung. Lúc đó thím Tuấn yêu cầu tôi phụ giúp bà đưa cháu đi bệnh viện nhập viện!

Đạt Tử liền được đưa đi bệnh viện ở Đài Trung vào Khoa Nhi. Nhưng khi thím Tuấn nhìn thấy mấy chục đứa nhỏ bị viêm màng não trong bệnh viện bị biến dạng kỳ quái: có đứa mắt lệch, có đứa miệng méo, có đứa tay chân không động đậy gì hết, trong lòng rất là buồn. Bà hỏi thăm thì đa số nhập viện từ sáu tháng đến hai năm, sức khỏe vẫn chưa bình phục, mà bác sĩ chẩn đoán cho Đạt Tử, tối thiểu phải nằm viện bốn tháng, còn khả năng hết bệnh hay không cũng không dám chắc! Thím Tuấn mới nói với tôi: “Về tình hình kinh tế nhà tôi làm sao có thể nằm viện lâu đến bốn tháng được?!”. Tôi liền khuyên bà rằng: “Thím Tuấn à! Thím thực là cả đời khôn ngoan, lại đi tính dại một lúc! Đạt Tử là nhờ phước ấm của thím mà được Phật, Bồ Tát phò hộ, mới chết mà được sống lại, tôi nghĩ cháu nhất định sẽ khỏi, chỉ cần chúng ta vừa cố hết sức trị liệu cho cháu, vừa thành khẩn cầu Phật, Bồ Tát cứu giúp, rồi mới phó mặc mạng cho trời!”. Thím Tuấn vẫn còn do dự chưa quyết định, rốt cuộc tôi lại khuyên bà: “Thôi tạm nằm hai tuần đi, khỏe hay không cũng xuất viện, nhưng thím cần ở lại bên cạnh Đạt Tử niệm Phật không được gián đoạn”. Thím Tuấn cuối cùng bị tôi thuyết phục, bèn làm thủ tục nằm viện điều trị!

Đạt Tử nằm viện trị liệu được tốt đẹp, sốt cao đã lui dần; tròng đen con ngươi vốn đã bị lật vào trong chỉ còn thấy tròng trắng nhìn không thấy người, cũng ngày một khôi phục như cũ; dần dần cũng đã nói chuyện lại được, xưng hô với người thân cũng từ từ rõ ràng lại. Khoảng một tuần thím Tuấn muốn về nhà, liền kêu A Lan lại thay thế cho bà chăm sóc Đạt Tử. Nhưng có điều kỳ lạ là thím Tuấn vừa ra khỏi cổng bệnh viện, thì bệnh của Đạt Tử lại nặng trở lại, trong miệng nổi lên hai cái lưỡi và trạng thái hôn mê cũng trở lại, còn chảy máu đầy cả miệng, bác sĩ liền dùng bông gòn nhét vào giữa hai hàm răng. Thím Tuấn vừa về đến trong nhà, con rể bà liền nói: “Má à! Má về làm gì? Nhanh chóng đi vào bệnh viện lại đi! Nhanh đi! Nhanh đi!”. Thím Tuấn trở lại bệnh viện, vừa thấy biến chứng của cháu như thế liền vội ngồi xuống bên mình cháu, chí thành niệm Phật. Kỳ tích lại phát sanh lần nữa, thật là vạn đức hồng danh linh nghiệm không gì bằng! Bà niệm được nửa giờ, Đạt Tử đã thở nhè nhẹ đi vào giấc ngủ, lúc thức dậy, chứng bệnh hai lưỡi đã hết, thật là Phật pháp vô biên. Thím Tuấn đi về chỉ có ba tiếng đồng hồ mà bệnh tình đã biến đổi xấu nghiêm trọng như thế. Khi trở lại, vừa qua niệm Phật thì bệnh càng lúc càng hồi phục bình thường. Đến ngày thứ mười ba, bác sĩ tuyên bố ngày mai có thể xuất viện. Mọi người đang vui mừng, nhưng vào lúc nửa đêm bệnh của Đạt Tử lại lần nữa biến đổi xấu nghiêm trọng, phát sốt rất cao, trong khoảnh khắc thím Tuấn vô cùng hốt hoảng, nhứt thời không có cách gì, bèn lấy mười đồng kêu A Lan đi ra chợ tìm thầy tướng số đưa ngày sinh tháng đẻ của Đạt Tử cho thầy đoán xem số mạng của nó có tới số chết chưa? A Lan đi xem số mạng về nói: “Trong số mạng của Đạt Tử mang chứng tê liệt, năm ba tuổi chắc chắn bị phát sởi mà chết!”. Lúc đó bác sĩ và y tá lại đến chẩn bệnh, lột hết quần áo của Đạt Tử ra xem, phía sau lưng phát hiện đầy những chấm đỏ nhỏ, liền lắc đầu nói: “Đáng tiếc! Đáng tiếc! Thằng bé này đột nhiên lại phát sởi, sau khi bị viêm màng não lại bị sởi rất dễ dẫn đến sưng phổi. Nếu như thế, thì thật không còn cách trị!”. Thím Tuấn và A Lan trước đã nghe đoán số mạng sẽ chết, nay bác sĩ cũng nói sẽ chết càng đau lòng vô cùng! Lúc đó lại hối hận là không nên vào viện, trong hai tuần đã tốn hết mấy ngàn đồng. Lúc đó tôi cũng ở kế bên, liền nói với họ rằng: “Có lẽ Đức Phật A Di Đà và Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi thương xót cho bà là người đệ tử trung thật, mới đặc biệt gia bị, khiến Đạt Tử trước khi xuất viện tái phát sởi, ở trong bệnh viện y dược dễ dàng thuận tiện, chớ nếu sau khi xuất viện về nhà rồi mà tái phát sởi thì càng nguy hiểm hơn! Không tin, ở lại thêm một tuần lễ nữa liền có thể bình an xuất viện. Bây giờ bà phải khẩn thiết hơn nữa ở bên cạnh nó niệm Phật, không được gián đoạn, không nên nản lòng!”. Lúc đó tôi cũng chỉ an ủi họ như thế thôi, thật ra tôi còn sốt ruột hơn họ nữa!

Một tuần lễ trôi qua, trải qua sự trị liệu rất thuận lợi, quả nhiên Đạt Tử đã vượt qua cửa ải tử vong một cách an nhiên, có thể xuất viện được rồi. Nhưng theo nguyên tắc của bệnh viện, người bệnh muốn xuất viện, nhất định phải qua bác sĩ tái khám một lần. Khi bác sĩ khám lại cho Đạt Tử, miệng nói luôn không ngớt: “Kỳ lạ! Kỳ lạ! Làm sao mà bệnh trạng nghiêm trọng quá sức như thế, lại mau khỏi như vậy?”. Liền hỏi thím Tuấn: “Trong miệng bà không ngớt niệm những gì vậy?”. Thím Tuấn nói: “Niệm A Di Đà Phật”. Bác sĩ nghe xong nói: “Mẹ tôi cũng là người ăn chay trường hai, ba chục năm nay rồi, vì sao không biết niệm A Di Đà Phật?”. Đáng tiếc thím Tuấn không biết trả lời, lỡ mất một cơ hội! Lại nói về Đạt Tử, từ khi xuất viện về nhà, sức khỏe cùng với những đứa trẻ bình thường khác mạnh khỏe như nhau, nhưng hay hỏi bà ngoại: “Con còn nhỏ như thế này tại sao biết tự mình ăn cơm, lại biết nói chuyện, biết đi?”. (có lẽ bị ảnh hưởng viêm não nên hơi bị thần kinh – dịch giả). Thím Tuấn liền đổi tên nó lại là “A Châu”

Thời gian qua như tên, mới chớp mắt, A Châu năm nay đã mười bảy tuổi, anh ta thường ngày làm việc rất siêng năng, lại hiếu thuận với người lớn, là một thanh niên tốt có lễ giáo nhân nghĩa.

Cuối cùng chúng ta hãy nghiên cứu một chút, một câu Thánh hiệu này thế mà hơn khoa học. Hãy xem các bác sĩ đã nghiên cứu khoa học mấy chục năm họ chẩn đoán: nếu như thằng nhỏ nằm viện ít nhất phải bốn tháng, còn khả năng khỏi hay không còn không dám chắc! Và một vị khác có khả năng bói bát tự, khéo đoán về âm dương, đoán là chỉ sống có ba tuổi bị ban sởi mà chết, rốt cuộc bị câu Thánh hiệu A Di Đà Phật mà tiêu tai giải nạn, gặp dữ hóa lành. Nhưng có lẽ có người sẽ hoài nghi: “Niệm Phật thì không chết ư?”. Đương nhiên tôi không dám nói quả quyết như thế, do vì đời người có sanh ắt có tử. Nhưng trong kinh có nói rằng: “Chí tâm niệm một câu A Di Đà Phật có thể tiêu diệt tội nặng sanh tử trong tám mươi ức kiếp”. Chỉ cần xem người niệm Phật có phải là “chí tâm” niệm hay không? Nếu như không chí tâm, niệm Phật không có cảm ứng, không tự trách mình, lại đi trách ai đây?

Trích Những Chuyện Niệm Phật Mắt Thấy Tai Nghe
Lâm Kháng Trị