Muốn Được Lợi Ích Nơi Phật Pháp Phải Hướng Về Cung Kính Mà CầuPháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín, Nguyện, Hạnh làm tông.

Nói đến Tín thì phải tin Ta Bà là khổ, khổ không nói nổi! Cực Lạc là vui, vui không thể ví. Cái khổ trong Ta bà là sanh, lão, bệnh, tử, yêu thương phải chia lìa, chán ghét cứ gặp gỡ, cầu không được, ngũ ấm hừng hực. Sự vui trong Cực Lạc nếu ước theo căn thân thì hoa sen hóa sanh, trường sanh bất tử, mang thân nam trọn không có hình dáng nữ, chẳng nghe đến cái tên ác đạo, huống gì thật có!

Di Đà đạo sư tướng hảo, quang minh vô lượng vô biên, vừa thấy từ dung liền chứng Pháp Nhẫn. Huống hồ còn Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh hải hội, mỗi vị đều phóng tịnh quang cùng tuyên diệu âm. Vì thế, tuy là phàm phu đầy dẫy phiền não, nghiệp lực đầy thân, nhưng nếu như tín nguyện chân thành, khẩn thiết, liền được Phật từ nhiếp thọ. Vừa vãng sanh, phiền não, ác nghiệp bèn bị tiêu diệt triệt để, công đức trí huệ rốt ráo hiện tiền. Tin được như thế thì gọi là chân tín.

Đã sanh lòng tin rồi, ắt phải phát nguyện: Nguyện lìa Ta Bà như đang bị tù trông mong thoát khỏi lao ngục; nguyện sanh Cực Lạc như đứa con cùng quẫn mong về lại cố hương. Nếu trước khi được sanh về Tịnh Độ, dẫu được trao ngôi vua trong cõi trời, cõi người cũng nên cói đó là nhân duyên đọa lạc, trọn chẳng có một niệm mong mỏi, hâm mộ. Phải triệt để chấm dứt những mong cầu phước báu nhân thiên, mới đạt lợi ích hoàn toàn nơi Tịnh Độ.

Đã có chân tín, nguyện thiết, ắt phải chí tâm chấp trì sáu chữ thánh hiệu: “Nam mô A Di Đà Phật”, bất luận đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, mặc áo, ăn cơm, và lúc đại tiểu tiện, v.v… đều chẳng lìa sáu chữ hồng danh (hoặc 4 chữ), ắt phải dốc toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, tâm Phật không hai; tâm Phật như một. Nếu có thể niệm đâu chú tâm đó, niệm đến cùng cực, bao tình kiến mất hết: Tâm không, Phật hiện, thì trong đời này tự có thể chứng được Tam muội. Đến lúc lâm chung, sanh vào Thượng Thượng phẩm, có thể nói là đã tu trì đến cùng cực vậy.

Ngay trong sinh hoạt thường ngày, với tất cả những điều thiện nhỏ nhặt các thiện căn như tụng kinh, lễ bái, v.v… đều đem những công đức ấy hồi hướng vãng sanh. Như thế, thì hết thảy hạnh môn đều thành trợ hạnh cho Tịnh độ, như gom các trần thành đất, tụ các dòng nước thành biển, rộng lớn sâu thẳm, ai cùng tột được! Nhưng phải phát Bồ Đề tâm, thệ nguyện độ sanh, đem tất cả công đức tu trì hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh bốn ân ba cõi. Giống như đổ dầu vào lửa, như mạ gặp mưa. Đã kết pháp duyên sâu xa cùng hết thảy chúng sanh lại còn có thể mau thành tựu hạnh Đại Thừa thù thắng cho chính mình.

Tuy hết thảy thời, hết thảy lúc niệm Phật đều không trở ngại, nhưng phải thường nên kiêng dè, coi tượng Phật giống như Phật sống, coi Kinh Phật, lời Tổ giống như Phật, Tổ đang hướng về mình thuyết pháp, chẳng dám ôm lòng hoài nghi, khinh mạng tí nào. Dẫu hiếu tử đọc di chúc, trung thần vâng sắc chỉ cũng chẳng thể hơn được. Đại Sư thường nói: Muốn được lợi ích nơi Phật pháp phải hướng về cung kính mà cầu. Có một phần cung kính ắt tiêu một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Nếu trọn chẳng cung kính thì dù có trồng viễn nhân, nhưng cái tội khinh lờn chẳng thể tưởng tượng được! Nay những kẻ tại gia đọc Kinh Phật đều phạm phải những bệnh ấy. Vì thế, đối trước những kẻ hữu duyên phải thường ra rả nói.

Niệm Phật cần phải nhiếp tâm, niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng phát ra, đều phải mỗi câu mỗi chữ phân minh rành rẽ. Lại phải lắng tai nghe kỹ, từng câu từng chữ nạp vào trong tâm. Nhĩ căn đã nhiếp thì các căn kia không cách cho rong ruổi bên ngoài, mới hòng mau đạt nhất tâm bất loạn.

Ấn Quang Đại Sư (Tổ thứ 13)