Niệm Phật Đạt Nhất Tâm Chưa Hẳn Được Vãng SanhPháp môn niệm Phật chú trọng ở lòng tin và sự phát nguyện. Có lòng tin và phát nguyện, dù chưa được nhất tâm cũng có thể vãng sinh. Được nhất tâm nhưng nếu không có lòng tin và phát nguyện cũng không được vãng sinh. Người đời phần nhiều chú trọng nhất tâm, chẳng chú trọng lòng tin và phát nguyện, đó là đã mất chỗ cốt yếu. Hơn nữa, khi sống chưa được nhất tâm, và còn nghi sợ chẳng được vãng sinh thì hoàn toàn trái ngược với lòng tin chân thật và sự phát nguyện thiết tha. Do vậy, càng thêm Tín–Nguyện để đạt đến nhất tâm, đó là ý niệm tốt. Nếu vì không được nhất tâm mà thường lo chẳng thể vãng sinh, thì trở thành ý niệm sai lầm. Điều đó không thể không biết!

Niệm Phật tối yếu ở chỗ thoát sinh tử. Đã vì thoát sinh tử thì đối với nỗi khổ sinh tử tự nhiên sinh lòng chán nản, đối với niềm vui Tây Phương tự nhiên khởi tâm ưa thích. Như thế, hai pháp Tín–Nguyện ở ngay nơi tâm niệm đầy đủ trọn vẹn. Lại thêm chí thành khẩn thiết như con nhớ mẹ mà niệm, thì sức mạnh của Phật, sức mạnh của pháp, sức mạnh của công đức Tín–Nguyện nơi tự tâm, cả ba hiển bày trọn vẹn, như vầng nhật tỏ sáng giữa trời không, dù có sương dầy băng tuyết, không bao lâu cũng sẽ tan chảy.

Muốn cho tâm không tham luyến việc ngoài, chuyên niệm Phật được quy nhất, cũng không có phương pháp chi kỳ lạ, chỉ đừng quên cái chết rình rập bên mình, không biết xảy ra lúc nào. Tâm luôn nghĩ nhớ: “Ta từ xa xưa đến nay tạo ra vô lượng vô biên nghiệp ác, như trong kinh nói: “Giả sử nghiệp ác kia có hình tướng thì khắp mười phương hư không cũng chẳng dung chứa hết”, duyên đâu may mắn, nay được thân người lại nghe Phật pháp, nếu không một lòng chuyên niệm Phật cầu sinh Tây Phương, khi cái chết đến thình lình, chắc chắn phải bị đọa vào ác đạo. Chừng ấy nếu vào địa ngục thì bị non đao, rừng kiếm, lò lửa, vạc dầu, một ngày đêm sống chết đến vạn lần, sự khổ cùng cực không thể diễn tả. Nếu ra khỏi địa ngục lại đọa vào loài ngạ quỷ, súc sinh; dù được làm người ngu si tạo nghiệp lại đọa lạc trải qua kiếp số nhiều như cát bụi, luân hồi trong sáu nẻo, dù muốn thoát ra cũng không thể được”. Hay nghĩ nhớ như vậy, những điều mong cầu trên liền được thành tựu. Cho nên, trong kinh thường nói, nghĩ về nỗi khổ nơi địa ngục mà phát tâm Bồ-đề, đó là lời khai thị thiết yếu nhất của đức Thế Tôn. Niệm Phật phải luôn luôn nghĩ mình sắp chết, sắp rơi vào địa ngục, thì chẳng khẩn thiết tự nhiên cũng khẩn thiết, chẳng tương ưng tự nhiên cũng tương ưng. Dùng tâm sợ khổ mà niệm Phật là pháp vi diệu bậc nhất để thoát khổ, cũng là pháp vi diệu bậc nhất để tùy duyên tiêu nghiệp.

Trích Niệm Phật Chỉ Nam
Tác giả: Mao Dịch Viên
Dịch giả: Thích Minh Thành