Một Vị Sư Ban Đầu Do Dự Chưa Tin Pháp Môn Tịnh Độ Nên Chỉ Được Đài Bạc Lúc Vãng SinhVào niên hiệu Thiên Giám đời Lương (502-519), Sư Đạo Trân dừng chân ở Lô Sơn. Trước đó từng nghe các ngài Tuệ Viễn, Tuệ Trì, Đàm Thuận v.v… lập nguyện tu Tịnh độ, Sư cũng ngưỡng mộ, nhưng trong lòng còn do dự nên không chuyên tâm trì niệm.

Một hôm, Sư mộng thấy có vài mươi người chèo thuyền vượt biển. Sư hỏi, họ đáp:

– Chúng tôi đi đến nước của Phật A-di-đà!

Sư nói:

– Hãy cho tôi cùng đi, các vị đồng ý không?

Đáp:

– Ý muốn của Sư đâu ai dám chối từ. Chỉ một ngày tu tập thôi cũng có thể vượt qua được vô lượng kiếp, Sư chưa tụng kinh A-di-đà thì làm sao đến được?

Sư tỉnh giấc, lòng cảm thấy hổ thẹn, lo sợ than rằng:

– Ta đã nhìn nhận sai lạc pháp môn vi diệu này rồi!

Sau đó, ngày đêm Sư tinh tấn tụng kinh A-di-đà không một mảy may gián đoạn. Hai năm sau, trước kì an cư hai ngày, vào lúc thiền đường trống vắng, cửa đóng, bỗng có người bưng đài bạc đến bảo:

– Sau khi qua đời, pháp sư sẽ ngồi tòa này!

Lại nói:

– Công hạnh của Sư đáng được đài vàng, nhưng vì lúc đầu tâm chí do dự nên chỉ được bậc này thôi!

Sư nghe nói thế, xúc động, cảm tạ rằng:

– Nếu cấp bậc này thoát được ba cõi, lìa năm khổ[*], thì tôi cũng thấy được Phật, dần dần tu tập thì nhất định sẽ lên đến đài vàng.

Sư rất ít nói, lời lẽ không làm tổn thương đến ai. Tuy đạt được như thế, Sư cũng chưa từng đem khoe khoang, nên mọi người chẳng ai biết được việc ấy. Sư chỉ tự chép lại việc trên cất trong hộp kinh để bên tòa.

Vào đêm vãng sinh, hang núi nơi Sư ở có ánh sáng rực rỡ như của cả nghìn bó đuốc hừng hực cùng cháy. Dân cả làng ở đó nhìn thấy đều vô cùng kinh ngạc. Đến sáng, họ cùng nhau lên núi hỏi chư tăng, hay tin Sư đã viên tịch, mới biết đó là điềm lành vãng sinh. Về sau, mọi người tìm thấy được những lời Sư đã ghi đặt trong hộp kinh, liền đem truyền bá để người đời sau được biết.

Ghi chú:

Tổ Tuệ Viễn ba lần nhìn thấy Phật A-di-đà nhưng không nói một lời; Sư Đạo Trân được cái đài bằng bạc giáng xuống bên hồ mà vẫn lặng thinh. Người xưa tài đức sâu dày như thế! Những kẻ có kiến thức nông cạn, vừa có chút điều lạ đã vội vàng khoe khoang; nhỏ thì mất những gì mình có; lớn thì làm tăng thêm sự sai quấy của mình. Lẽ nào không cẩn thận sao?

Trích: Bốn Chúng Vãng Sanh
Biên dịch: Chúc Đức và các thành viên

[*] Năm khổ (Ngũ khổ: 五苦): Năm thứ khổ não. Kinh Ngũ khổ chương cú nêu năm nỗi khổ trong năm đường là: chư thiên khổ, nhân đạo khổ, súc sinh khổ, ngạ quỉ khổ, địa ngục khổ.