Người Nhất Xiển Đề Có Thể Thành Phật Không?Sư Trúc Đạo Sinh họ Ngụy, người Cự Lộc[1] thuở nhỏ rất thông minh tài trí, cha sư biết con mình là bậc phi phàm nên rất yêu thương và quí trọng. Sau đó, sư gặp sa-môn Trúc Pháp Thái bèn bỏ tục xuất gia. Năm mười lăm tuổi, sư thăng tòa thuyết pháp, lời lẽ đối đáp trong sáng như châu ngọc, những học tăng nổi tiếng, danh sĩ đương thời đều bị sư chiết phục, chẳng ai dám phản kháng. Sau khi thụ cụ túc giới hiểu biết Phật pháp càng sâu.

Sư vào ẩn tu ở Lô Sơn[2] bảy năm, thường cho huệ giải là căn bản vào đạo nên thường nghiên cứu các bộ kinh, cầu thầy học đạo, dù xa vạn dặm vẫn không quản mệt nhọc. Sau đó, sư đến Trường An theo học với ngài La-thập, các vị tăng ở Quan Trung đều khen sư có sức ngộ như thần. Sau đó, sư trở về ở lại chùa Thanh Viên[3], Thái Tổ Văn đế Hoàng nhà Tống rất kính trọng sư. Có lần Thái Tổ thiết hội, đích thân cùng với mọi người ngồi trên chiếu trải trên đất. Do chuẩn bị thức ăn quá lâu, nên mọi người sợ trời chiều. Vua bảo:

– Mới trưa mà.

Sư bảo:

– Bầu trời trong sáng, thiên tử bảo mới trưa, thì nhất định là trưa!

Nói rồi, sư lấy bát cùng mọi người dùng cơm. Họ đều khen lời của sư nói rất thích hợp.

Lúc đó, Niết-bàn hậu phẩm[4] chưa truyền vào Trung Quốc, sư nói:

– Xiển-đề[5] đều có thể thành Phật, chỉ vì bộ kinh này chưa truyền đến đầy đủ mà thôi.

Các vị tì-kheo chấp văn tự cho sư là tà đạo, bèn đuổi đi. Sư thệ trước đại chúng:

– Nếu lời của tôi không khế hợp với nghĩa kinh, thì xin đời này sẽ chịu ác báo; còn khế hợp với tâm Phật, thì nguyện đến khi bỏ thân này tôi sẽ ngồi trên tòa sư tử.

Nói rồi sư phất áo ra đi, vào núi Hổ Khâu[6] quận Ngô dựng đá làm đồ chúng để giảng kinh Niết-bàn. Đến chỗ “Xiển-đề có Phật tánh” sư hỏi:

– Lời ta nói có khế hợp với tâm Phật không?

Các viên đá đều gật đầu. Mùa hạ năm đó, sấm chấn động ở Phật điện chùa Thanh Viên, mọi người chợt thấy một con rồng bay lên trời, bóng hiện ở bức tường phía tây, nhân đó đổi tên chùa là Long Quang. Khi ấy, mọi người than rằng:

– Rồng bay rồi, sư nhất định sẽ đi.

Không lâu, sư trở về Lô Sơn ẩn tu trong hang núi, chúng tăng đều kính phục.

Sau đó bản kinh Đại Niết-bàn đến Nam kinh, quả đúng trong kinh có thuyết: “Xiển-đề đều có Phật tánh”, rất trùng hợp với lời của sư. Sư đã tìm thấy bộ kinh này, liền thăng tòa giảng thuyết.

Đến niên hiệu Nguyên Gia thứ mười một (434) đời Tống, sư thăng tòa thuyết giảng kinh Niết-bàn ở Lô Sơn. Lúc giảng vừa xong, bỗng mọi người thấy cây phất trần rời khỏi tay. Sư an nhiên thị tịch trên pháp tòa.

Trích Truyện Các Vị Tăng Thần Dị
Biên tập: Minh Thành Tổ Chu Lệ
Việt dịch: Đức Nghiêm-Đức Thuận-Nguyên Nhứt
Hiệu đính: Thích Nguyên Chơn

[1] Cự Lộc鉅鹿: xưa tên Hồ Trạch, nay thuộc phía bắc huyện Cự Lộc tỉnh Hà Bắc.
[2] Lô Sơn 廬山: tên một ngọn núi thuộc phía nam chợ Cửu Giang tỉnh Giang Tây.
[3] Thanh Viên tự青園寺: chùa ở chân núi Phúc Chu, thuộc ngoại ô thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, do hoàng hậu Chữ Cung Tư sáng lập vào đời Đông Tấn, ngài Trúc Đạo Sinh từng ở chùa này giảng về nghĩa Đốn ngộ thành Phật.
[4] Niết-bàn hậu phẩm 涅槃後品: phẩm sau của kinh Niết-bàn.
[5] Xiển-đề闡提: (gt: của nhất xiển-đề); chỉ cho chúng sanh ưa muốn sanh tử không mong cầu ra khỏi, nên kinh Lăng-già thường nói xiển-đề không bao giờ thành Phật. Thuyết xiển-đề thành Phật xuất xứ từ kinh Đại Bát-niết-bàn, tư tưởng căn bản của thuyết này cho rằng, Phật tính thường trụ và tất cả đều có, dù cho đoạn thiện căn nhưng Phật tính này vẫn thường trụ bất biến.
[6] Hổ Khâu Sơn虎丘山: núi ở phía tây bắc huyện Ngô, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.. Vào cuối thời Xuân Thu, vua Phù Sai nước Ngô mai táng phụ thân là Hạp Lư nơi đây, tương truyền sau khi mai táng ba ngày, có con hổ trắng xuất hiện trên nền mộ, cho nên gọi là Hổ Khâu. Một thuyết khác cho rằng, hình dáng núi này giống như con hổ ngồi, nên có tên đó.