Hiếu Dưỡng Phụ Mẫu Niệm Phật Được Vãng SanhÔng Lưu Di Dân sống vào đời Tấn, người ở Bành Thành, là hậu duệ của Sở Nguyên Vương nhà Hán. Ông mồ côi cha từ thuở nhỏ, một lòng lo phụng dưỡng mẹ, nổi tiếng là người có hiếu. Ông tự phụ cho mình tài ba nên không giao du với bọn tầm thường. Ông làm Tham quân ở phủ, chẳng được bao lâu lại vội lui về ở ẩn. Tạ An, Lưu Dụ nhiều lần tiến cử ông, nhưng ông cự tuyệt không vào triều. Vì thế, ông được vua ban tấm biển hiệu là “Di Dân”.

Sau đó, ông vào Lô Sơn tham dự đạo tràng Bạch Liên xã của ngài Tuệ Viễn. Ông trứ tác “Niệm Phật tam-muội thi” để bày tỏ lòng chí thành của mình. Nhiều lần ở trong định, ông thấy hào quang của Đức Phật chiếu xuống đất và làm cho đất có màu vàng. Mười lăm năm sau, cũng tại Lô Sơn, ông lại thấy Phật A-di-đà phóng hào quang giữa hai chặng lông mày, rồi duỗi tay xuống vỗ về ông. Lúc ấy, ông cầu nguyện: “Làm sao để được Đức Như Lai xoa đầu và lấy y trùm cho con!”. Cầu nguyện vừa dứt lời, bỗng chốc Phật duỗi tay xoa đầu và lấy y trùm lên người ông.

Vào một ngày khác, ông lại thấy mình vào ao bảy báu[1], trong ao có hoa sen xanh, sen trắng, nước ao trong suốt. Lúc ấy, bỗng xuất hiện một người, trên đầu có vòng hào quang, giữa ngực có chữ 卍 chỉ nước trong ao và nói: “Đây là nước đủ tám công đức[2] ông có thể uống”. Di Dân liền múc uống, cảm thấy nước mát và ngọt. Sau khi tỉnh dậy, ông vẫn còn nhớ rất rõ và có hương thơm lạ phát ra từ các lỗ chân lông. Ông nói với mọi người:

– Đã đến lúc tôi về Tịnh độ rồi.

Nói xong, ông đến trước tượng đốt hương, lễ Phật và khấn nguyện:

– Con nhờ Đức Thích-ca chỉ dạy, mới biết có Phật A-di-đà. Hương thơm này trước hết con dâng cúng dường Đức Thích-ca Như Lai, sau là cúng dường Phật A-di-đà và kinh Diệu pháp liên hoa, nguyện cho tất cả chúng sinh đều được sinh về Tịnh độ!

Khấn nguyện xong, ông ngồi xoay mặt về hướng tây, chắp tay qua đời. Lúc ấy, nhằm niên hiệu Nghĩa Hy thứ sáu (410)[3].

Ghi chú:

Lời tựa của kinh Quán Vô Lượng Thọ ghi: “Chính nhân của Tịnh nghiệp là lấy việc hiếu dưỡng cha mẹ làm đầu”. Vì thế nên biết, người bất hiếu dù niệm Phật suốt ngày, Phật cũng không hoan nghinh. Nay Di Dân ngay từ lúc còn rất nhỏ đã biết hiếu dưỡng mẹ; chẳng những thế, ông còn trụ sâu trong thiền định và nhiều lần cảm ứng hiện điềm lành. Do đó, có thể biết ông ấy nhất định sẽ được vãng sinh vào phẩm vị cao. Người tại gia tu tịnh nghiệp phần đông đều cho ông làm gương sáng của muôn đời.

Trích: Bốn Chúng Vãng Sanh
Biên dịch: Chúc Đức và các thành viên

[1] Bảy báu (Thất bảo 七寶, S: sapta ratnāni): Bảy thứ ngọc báu ở thế gian. Các kinh nói bảy thứ báu khác nhau, theo kinh A-di-đà và luận Đại trí độ 10 thì bảy thứ báu là: Vàng, bạc, lưu li, pha-lê, xa cừ, xích châu, mã não.

[2] Nước tám công đức (Bát công đức thủy 八功德水): Nước có tám đặc tính thù thắng. Ở cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà có ao thù thắng, nước trong ao có tám thứ công đức. Tám đặc tính đó là: Trong trẻo, mát mẻ, ngọt ngon, mềm nhẹ, thấm nhuần, an hòa, trừ đói khát, nuôi lớn các căn.

[3] Truyện Linh ứng vãng sinh Tây phương tinh độ ghi là Nghĩa Hy thứ 15.