Tội Tà Dâm Là Gì Và Quả Báo Ra Sao?Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy rằng: “Nếu người nào có quan hệ tình dục vào thời gian không thích hợp[1], hoặc ở địa điểm không thích hợp[2], hoặc quan hệ với người đồng tính, hoặc với phụ nữ chưa chồng, đều gọi là tà dâm. Nếu quan hệ với vợ mình mà nghĩ tưởng đến vợ người khác, hoặc quan hệ với vợ người khác mà nghĩ tưởng xem như vợ mình, đó cũng là tà dâm. Những sự tà dâm như thế cũng có phân ra nặng nhẹ khác nhau. Do phiền não nặng nề, ắt phải chịu tội báo nặng nề. Do phiền não kém nặng nề hơn, ắt chịu tội báo kém nặng nề hơn.”

Kinh Tạo tượng công đức chép rằng: “Phật dạy Bồ Tát Di-lặc: ‘Có bốn nhân duyên khiến cho nam giới phải chịu thân bất lực, không có khả năng hành dâm:

Một là hủy hoại tàn khốc thân thể người khác, hoặc thậm chí là các loài súc sinh.

Hai là đối với các vị tỳ- kheo trì giới mà khởi tâm sân hận hoặc chê cười, hủy báng.

Ba là buông thả tâm ý tham dâm quá độ, cố ý phạm giới.

Bốn là gần gũi kết giao với người phạm giới, lại khuyến khích, xúi giục người khác phạm giới.

Nếu có người đã lỡ phạm vào bốn điều ấy, nhưng sau đó khởi tâm thành tín tin sâu Tam bảo, tạo tác hình tượng Phật, [nhờ công đức ấy sẽ] không phải chịu quả báo như trên.

Lại có bốn loại nghiệp có thể khiến cho nam giới phải chịu thân lưỡng căn, trong người mang cả hai căn nam nữ:

Một là dâm loạn với các bậc tôn túc trưởng thượng của mình.

Hai là quan hệ tình dục với người đồng tính.

Ba là tự mình thủ dâm.

Bốn là làm việc môi giới mua bán dâm.

Nếu có người đã lỡ phạm vào bốn điều ấy, nhưng sau đó khởi tâm thành tín tin sâu Tam bảo, tạo tác hình tượng Phật, [nhờ công đức ấy sẽ] không phải chịu quả báo như trên.”

Kinh Niết-bàn dạy rằng: “[Nếu có] Bồ Tát nào, tuy không cùng nữ nhân làm chuyện dâm dục, nhưng khi nhìn thấy những cặp nam nữ mê đắm theo đuổi nhau liền khởi sinh tâm tham muốn vướng chấp, đó gọi là hủy phạm giới hạnh thanh tịnh.”

Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Tham Dục
Nguyên tác Hán văn: Dục Hải Hồi Cuồng
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến

[1] Vào những ngày tháng, điều kiện nêu ra dưới đây cần phải kiêng kỵ, không được hành dâm:

Ngày đức Phật đản sanh.1
Ngày đức Phật thành đạo.2
Ngày trời đất giao hội.3
Ngày giỗ chung của cả nước.4
Dưới ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao.
Vào lúc đang có gió mưa, sấm sét.
Vào những ngày lục trai5 hoặc thập trai.6
Vào các ngày tam nguyên,7 ngũ tịch.8
Vào các ngày bát vương.9
Vào các ngày đại hàn, đại thử.10
Ngày giỗ cha, mẹ đã qua đời.
Ngày sinh của chồng hoặc vợ.

1 Trước đây là ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch, nhưng khuynh hướng ngày nay thống nhất là ngày rằm tháng 4 âm lịch, vì tương ứng với ngày trăng tròn.

2 Tức là ngày mồng 8 tháng Chạp âm lịch.

3 Thường được hiểu là đêm giao thừa cuối năm âm lịch.

4 Như ngày giỗ tổ của dân tộc Việt Nam là ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch.

5 Lục trai: 6 ngày ăn chay trong mỗi tháng, tính theo âm lịch bao gồm các ngày mồng 8, 14, 15, 23 và 2 ngày cuối tháng (29, 30 hoặc 28, 29 nếu tháng thiếu).
6 Thập trai: 10 ngày ăn chay trong mỗi tháng, tính theo âm lịch bao gồm các ngày mồng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24 và 3 ngày cuối tháng (28, 29, 30 hoặc 27, 28, 29 nếu tháng thiếu).

7 Tam nguyên: bao gồm thượng nguyên là ngày rằm tháng giêng, trung nguyên là ngày rằm tháng bảy và hạ nguyên là ngày rằm tháng mười. Thật ra, cả ba ngày này đều đã được bao gồm trong các ngày lục trai và thập trai.

8 Ngũ tịch: bao gồm thiên tịch là ngày mồng một tháng giêng, địa tịch là ngày mồng năm tháng năm, đạo đức tịch là ngày mồng bảy tháng bảy, dân tuế tịch là ngày mồng một tháng mười, hầu vương tịch là ngày mồng tám tháng chạp.

9 Bát vương: chỉ 8 ngày phân tiết trong năm theo lịch pháp phương Đông. Đặc biệt, do các ngày này được xác định dựa theo quỹ đạo của trái đất xoay quanh mặt trời, nên có sự tương ứng với các ngày dương lịch như sau đây (với sai số có thể là ± 1 ngày): ngày lập xuân (4 tháng 2), xuân phân (21 tháng 3), lập hạ (6 tháng 5), hạ chí (21 tháng 6), lập thu (7 tháng 8), thu phân (23 tháng 9), lập đông (7 tháng 11) và đông chí (22 tháng 12).

10 Tiết đại hàn thường rơi vào ngày 21 tháng 1 dương lịch, tiết đại thử thường rơi vào ngày 23 tháng 7 dương lịch. Tùy theo năm, các ngày này có thể sai lệch đi đôi chút.

[2] Nơi thích hợp chỉ phòng riêng của vợ chồng, nơi không thích hợp là những nơi khác trong nhà. Không dùng các phương thức như qua đường hậu môn, đường miệng v.v…