Nhật Ký Những Ngày Ở Bệnh Viện - Bài Học Từ Các Vị Bồ Tát Đời ThườngCũng trong phòng hồi sức này tôi hữu duyên gặp được một nữ bác sĩ xinh đẹp của bệnh viện 115. Chị 46 tuổi, nói chuyện nhẹ nhàng dễ mến, gần gũi bệnh nhân. Chị làm việc ở đây, hết giờ làm việc thì chăm sóc chu đáo cho ba chồng bị bệnh tim. Nhìn chị không ai nghĩ là con dâu vì cách chăm người bệnh hết sức kỹ lưỡng, cẩn thận. Chồng mất 9 năm vì nhồi máu cơ tim cấp, bị đột tử ngay lúc con gái thứ hai của chị mới 28 ngày tuổi (tức chưa tròn tháng). Đời người quả là đau khổ! Mỗi người một hoàn cảnh, cái khổ của mỗi gia đình đều khác nhau, giàu nghèo gì cũng khổ.

Khi xác anh được liệm xong và đặt vào quan tài, chị gắng gượng nhìn anh lần cuối cùng, nước mắt từ khoé mắt và máu từ trong miệng người mất trào ra, nuối tiếc vợ hiền con thơ dại. Bạn nghĩ xem anh ấy có được siêu thoát? Chị vừa kể đến giai đoạn này thì tôi liên tưởng cảnh anh còn luyến vợ con nên thốt lên: “A Di Đà Phật, ôi vậy thì anh khó siêu, anh sẽ luôn ở bên cạnh chị. Thế nhưng cảnh giới đó đau khổ lắm”. Chị chợt nhớ lại: “Ồ, hình như là như vậy em à. Suốt 9 năm nay chị không hề có cảm giác với ai, có lẽ mình vô duyên. Chị luôn cảm nhận chồng ở cạnh mình, anh giúp chị rất nhiều trong lúc chị bảo vệ luận văn Thạc sĩ vì khi đó chị khấn anh cái gì đều được hồi đáp vô hình.”. Tôi thở dài: “Chị cảm nhận đúng, nhưng chồng chị ở cảnh giới đó rất khổ, anh cần được siêu thoát”. Chị nói có lần chị lên một ngôi chùa ở Tây Ninh, vị Sư đã nhìn chị rồi bảo chị nên làm lễ cầu siêu cho chồng vì anh ấy cứ luôn theo sát chị, vậy thì khổ lắm. Chị về nhà hỏi mẹ chồng, bà nói rằng: “Cầu gì mà cầu, khổ gì mà khổ, chồng theo vợ là đúng rồi chớ sao lại khổ”. A Di Đà Phật, không biết được Phật pháp mới đúng là Khổ, quá khổ.

Một nữ bác sĩ – goá phụ xinh đẹp vẫn ở một mình 9 năm nuôi hai cô con gái nên người quả là đáng tán thán, nhất là ở thời đại này khi sự lôi kéo, quyến rũ bên ngoài xã hội quá nhiều. Dù chồng mất đã lâu chị vẫn đối đãi cha mẹ chồng như cha mẹ ruột, chăm nom chu đáo, tận tình. Tôi nói với chị: “Phước báo chị thật lớn, chị làm một tấm gương tốt cho nhiều người. Nếu người như chị mà học Phật, thường niệm Phật nữa thì hay biết bao nhiêu”. Tôi chỉ có thể học tập và kết duyên lành cùng chị bấy nhiêu đó thôi.

Một ông cụ chuẩn bị xuất viện ra về, ông tên N.V.T, 87 tuổi, là một nhà khoa học. Cụ đang ấp ủ một quy trình sản xuất muối ăn đạt chuẩn Asean cho Việt Nam, chi phí thấp mà lại hướng dẫn cách làm chi tiết rõ ràng. Cụ bảo tiếc cho dân Việt chúng ta diện tích trải dài hơn 3000km bờ biển vậy mà dân mình phải nhập khẩu muối ăn vì muối của mình sản xuất không đạt chuẩn. Cụ đã trình lên Bộ Khoa học công nghệ về dự án nghiên cứu muối nhưng bị hẹn tới ba năm sau mới được xét duyệt. Cụ nói: “Tôi làm việc này cũng muốn để lại một thứ gì đó có ích cho dân mình, nhưng lại bị trì hoãn không biết bao giờ mới thực hiện được. Tôi tuổi đã cao, thời gian không còn nhiều, sức khoẻ không đủ nên không dám suy nghĩ nhiều thêm, có duyên thì làm, không có duyên thì chịu thôi”. Tôi hoan nghênh tâm thiện của cụ và hỏi cụ một chút về đạo Phật. Cụ lắc đầu, trước giờ chỉ biết sống tốt là được rồi. Chao ôi, ông cụ đến tuổi gần đất xa trời rồi, sống chết nay may, tâm địa hiền lương nhưng vẫn chưa hiểu được về “sanh tử” hay “lục đạo luân hồi” gì cả thử hỏi làm sao nói đến chuyện “Chết sẽ đi về đâu?”. Thật là “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe” quá!

Cụ nằm đối diện giường ông xã tôi tên V.V.M, 79 tuổi, bị đột quỵ nên cũng nhập viện cấp cứu được 2 ngày rồi chuyển qua phòng hồi sức. Cụ bị tiểu đường, huyết áp, tim mạch. Mọi sinh hoạt vệ sinh đều phải nhờ người thân chăm sóc. Cụ chỉ còn một chân, chân kia đã bị mất trong một tai nạn giao thông. Cụ kể cho tôi nghe về hồi xưa cụ làm nghề nuôi bò để bán lấy thịt, giờ lớn tuổi bệnh hoạn đầy người, nhức mỏi khắp thân. Bà cụ ở nhà thì bị tâm thần, con trai lớn cũng mới vừa bị tai biến. Tôi nhìn cụ mà thương, nhân quả báo ứng cứ xoay vần mãi, nếu chúng ta không biết Phật pháp để dừng lại sát nghiệp thử hỏi mình sẽ còn khổ đến đâu nữa đây?

Một số vị Bồ tát khác thị hiện ra đi trong khi cấp cứu và một số đang điều trị thì bị bệnh viện trả về vì không còn khả năng cứu chữa. Người thân buồn bã, đau khổ nhào đến ôm chằm lấy bệnh nhân khóc lóc, than thở. Tôi thầm ước phải chi ai ai cũng hiểu được rằng Phước báo lớn nhất đời người chính là lúc sắp lâm chung được tỉnh táo niệm Phật, được người khác hộ niệm, khai thị, nhắc nhở mình nên làm gì và biết về đâu sau khi xả bỏ báo thân thì hay biết dường nào.

Người cuối cùng tôi gặp trước khi rời khỏi bệnh viện là một chị bạn tuổi gần 50, hỏi ra mới biết chị cũng có tu Tịnh độ. Chị ấy đưa cha vào phòng cấp cứu, ngồi chờ phía ngoài rất hồi hộp, lo lắng. Tôi lại gần và nói: “Chị ơi, niệm Phật nhiều đi, niệm Phật hồi hướng cho cha của chị!”. Chị bảo: “Có em ạ, chị có niệm nhưng sao vẫn còn thấy lo quá!”. Tôi kể cho chị nghe những câu chuyện đời thật về Phật pháp nhiệm mầu của các bạn đồng tu, khiến tâm tư chị trở nên đầy cảm xúc, niềm tin quay nhanh trở lại. Tôi thật lòng: “Chị là duyên cuối cùng trước khi em rời khỏi nơi này. Xin chị vững lòng tin, tâm có thể đưa mình đi luân hồi thì cũng có khả năng đưa mình về Cực lạc, chỉ nhờ vào một niệm mà thôi, hãy chú tâm niệm Phật nhiều hồi hướng cho ba của chị, nếu thọ mạng còn thì nghiệp tiêu bệnh hết. Thọ mạng dứt thì Phật tiếp dẫn ông vãng sanh. Chị hãy cố gắng nhé”. Một cái gật đầu và xiết tay chặt thể hiện lòng tin chân thật.

Một số liên hữu nói với tôi rằng mình cũng tin vào câu Phật hiệu, tin có thế giới Cực lạc, có Phật A Di Đà, nhưng bây giờ bên ngoài nhiễu nhương quá, toàn những tin tức không hay về pháp môn niệm Phật vãng sanh, khiến lòng tin ấy đôi khi thoái chuyển một chút.

Các bạn thân mến, chúng ta tin Phật Thích Ca, tin Phật A Di Đà, Nhân quả là thật, thế giới Cực lạc là thật. Ở Trung Quốc và Đài Loan thì có quá nhiều Tổ sư, cư sĩ đều là Phật, Bồ tát hóa thân hoặc thị hiện để giúp đỡ chúng sanh thành tựu. Ở Việt Nam mình cũng có Hòa thượng Thích Thiền Tâm được xem là Nhị Tổ Tịnh độ, một vị cao tăng đức hạnh. Ngài chân thật niệm Phật cầu sanh Tây Phương và tự tại vãng sanh biết trước ngày giờ vào năm 1992, không đáng để làm tin cho đồng tu chúng ta hay sao? Chúng ta có duyên lành đã được xem nhiều gương niệm Phật vãng sanh: đứng mà đi, ngồi mà đi….Không phải ai khi lâm chung cũng làm được như vậy nếu không phải là người niệm Phật có công phu. Nếu tâm chúng ta không kiên định, thì khi lâm chung sẽ phân vân rồi theo nghiệp mà đi luân hồi thọ khổ, thật là nguy hiểm. Địa ngục hay Cực lạc cũng chính từ cái tâm chúng ta mà ra. Chúng ta chỉ nhờ lòng tin này, nếu bạn đánh mất thì cũng chẳng còn con đường nào để đi được nữa, ngay trong thời kỳ mạt pháp này.

Cuối cùng cung kính tri ân đến tất cả các vị Bồ tát thị hiện ở bệnh viện đã dạy cho tôi những bài học hay, xin cảm ân tất cả những người thân trong gia đình, các đồng nghiệp, các liên hữu đồng tu đã cùng chia sẻ khó khăn với vợ chồng tôi trong những ngày ở bệnh viện vừa qua. Kính cảm niệm ân đức!

Nhật ký những ngày trong bệnh viện là một trong những khúc khuỷu trên bước đường trở về Cực Lạc mà tất cả đồng tu chúng ta sẽ bắt gặp nó bằng các hình thức khác nhau. Do vậy, xin hãy cùng chia sẻ, sách tấn nhau để vượt qua nó. Lời kết bài tôi xin mượn bốn câu thơ của Bác sĩ Bồ tát Quách Huệ Trân để nói lên tấm lòng của mình đối với Phật pháp:

“Cho dù ngày mai tận thế
Đêm nay Sen vẫn gieo trồng
Đem lòng gió mát trăng thanh
Xưng tán A Di Đà Phật”.

Kính chúc tất cả các đồng tu thường tinh tấn, an lạc, cát tường. Niệm Phật nhất định sẽ thành Phật. Hẹn cùng nhau hội ngộ tại Tây Phương Cực lạc.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Diệu Âm Lệ Hiếu
Sài Gòn 29/10/2016