Kiếp Trước Giết Người Cướp Của Kiếp Này Bị Oan Gia Đầu Thai Làm Con Đòi NợVùng Huy Lăng thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Lương Thạch Trụ, nhà giàu có, sinh được một đứa con trai, hết sức thương yêu. Niên hiệu Thuận Trị năm cuối cùng [tức là năm 1661] đứa con ấy được mười chín tuổi, bị bệnh nặng, Thạch Trụ đau buồn lắm.

Một hôm, đứa con bỗng gọi tên Thạch Trụ mà nói rằng: “Tôi đời trước chính là người mang tên ấy họ ấy… ở Từ Châu, có 300 lượng bạc, cùng ông đi buôn chung. Tôi bị bệnh lỵ, giữa đường vào nhà xí đi tiêu, ông thừa cơ hội dùng mũi nhọn xuyên qua một lỗ trống ở vách nhà xí mà đâm vào giữa ngực tôi đến chết. Sau đó ông tự cắt tay cho chảy máu để làm bằng chứng nói dối với gia đình tôi là giữa đường tôi bị bọn cướp giết chết. Sau khi chết, tôi thác sinh vào nhà họ Vương ở Huy Lăng. Cách đây 20 năm, tôi chính là người họ Vương mang tên ấy… Ngày đó, sau khi tôi chết thì 3 năm sau ông chết, rồi cũng thác sinh ở Huy Lăng, chính là thân ông ngày nay. Những năm trước tôi tìm ông không gặp, tình cờ một hôm vào huyện nộp tiền, bỗng gặp ông ngay phía trước. Khi ấy tôi lập tức nổi giận, dùng nắm đấm nện ông, nhưng tự mình cũng chẳng hiểu vì sao lại giận dữ như thế. Khi ấy ông cho tôi là kẻ mất trí nên không lưu tâm. Tôi không trả thù được ông, trở về sinh lòng buồn giận phẫn uất, mấy ngày sau thì chết, cuối cùng lại thác sinh làm con ông, nay đã mười chín tuổi. Tính ra từ khi tôi bị bệnh đậu mùa, ông tốn kém một số tiền, mời thầy dạy học cho tôi tốn kém một số tiền, cưới vợ cho tôi tốn kém một số tiền, tôi đi thi lại tốn kém một số tiền, cộng thêm các khoản tốn kém linh tinh khác nữa, cũng đã trả đủ số tiền cướp đoạt của tôi. Tuy là mạng sống của tôi vẫn chưa đền lại được, nhưng bao năm qua ông đối đãi với tôi quá nặng tình, tôi thật không nỡ nhắc lại chuyện cũ nữa, nay xin từ biệt. Tôi chỉ sợ Diêm vương nơi âm phủ không tha thứ cho tội của ông mà thôi.”

Nói xong thì chết. Từ đó Lương Thạch Trụ đêm ngày than khóc, lại nói với mọi người rằng: “Con tôi hiếu thảo, thông minh, vì sợ tôi đau buồn nên mới bịa ra những chuyện như vậy. Trong thiên hạ liệu ở đâu lại có được tình cha con như thế chăng?”

Rồi không lâu sau, Thạch Trụ lấy một cây thương mài thật sắc, có ai hỏi thì nói: “Năm nay mất mùa, nhà tôi lại ở cuối thôn vắng vẻ nên phải chuẩn bị để khi cần thì có thể tự vệ.” Một hôm, Thạch Trụ đặt cán thương quay vào tường, quay đầu nhọn ra ngoài hướng vào ngực mình rồi bỗng nhiên kêu lớn: “Con đợi ta tự đâm là được rồi.” Liền hướng về phía mũi nhọn, lấy hết sức mà lao vào. Mũi thương đâm sâu vào ngực đến bảy tám tấc, ghim thấu tận xương.

  • Lời bàn:
Dương gian có thể có những người chịu ơn không báo đáp, nhưng âm phủ thì không một món nợ nào có thể không đền trả. Người đời chỉ biết món nợ trong đời này là nặng, chẳng biết rằng món nợ để qua đời sau lại càng nặng hơn. Người đi đòi món nợ trong đời này, chỉ đến trước cửa chứ không dám vào nhà vì sợ chủ nhà giận tức, căm ghét. Nhưng người đi đòi món nợ từ đời trước để lại thì vào tận trong nhà kẻ trốn nợ, an nhiên nằm đó mà khiến cho cả vợ chồng kẻ mắc nợ phải đủ điều trân quý mình, phải chăm lo bú mớm bồng ẵm, cho đến lúc lớn khôn thì lập tức phá sạch cả sản nghiệp, ruộng vườn nhà cửa, đến một cây kim ngọn cỏ cũng không chừa. Nhớ lại nửa đời khổ công gầy dựng, không khỏi như người bỏ vốn cầu lãi, cuối cùng lại uổng công làm thân trâu ngựa cho người, chẳng phải thật ngu si mà đáng thương lắm sao?

Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến