Ba Nhà Nông Vãng SanhTriều Tống, ông Từ Lục, một ông nhà nông ở Ngô Hưng, ăn chay trường niệm Phật. Tại nhà thờ tượng A Di Đà sớm tối lễ kính, luôn 40 năm tu hành. Ông thường mơ thấy đến Cực Lạc thế giới. Ông có sắm sẵn một cái khánh. Một hôm, ông tắm rửa sạch sẽ thay y phục, mang dép rơm vào ngồi ngay thẳng trong khánh niệm Phật. Một lát sau ông nói to: “Đức Phật đã đến rước tôi!” Rồi yên lặng mà mất.

Ông Trần Đức Tâm, một nhà nông ở Tô Châu. Ngày nóng bức ông đi hóng mát, tình cờ thấy bản “Kính tín lục” nơi trường làng. Ông nhờ thầy học giảng nghĩa cho. Ông tỏ ngộ lý nhơn quả, gắng làm việc phước thiện và thường đi theo đường lượm giấy chữ. Cư sĩ Bành Nhị Lâm thấy thế biết là người có thiện căn, bèn mời vào Văn Tinh Các, khuyên ông niệm Phật, ông vốn không biết chữ, nhưng tu trì rất chuyên cần, rồi tự nhiên lần lần biết đọc biết viết.

Ít lúc sau, ông lãnh chức quản đốc các việc phóng sanh, an táng nơi hội Diệu Tế tại Tô Quận. Mỗi khi thấy thây chết, xương người, ông luôn than thở nhơn mạng vô thường, nên công phu niệm Phật của ông càng thêm tinh tấn. Năm ông 69 tuổi, đương mạnh khỏe như thường, ông bỗng đi từ biệt thân thuộc cùng các bằng hữu mà hẹn ngày từ giã cõi đời. Đến kỳ, ông đóng cửa yên lặng ở trong phòng. Các bạn đồng sự xô cửa vào xem, thời thấy trên bàn cúng một tượng Phật, đôi nến đương cháy sáng, hương lạ thơm ngát. Còn ông Đức Tâm đã chết ngồi, mặt xoay về hướng Tây. Bấy giờ là ngày Rằm tháng Tám năm Gia Khánh thứ 18 triều Thanh.

Ông Lại Tường Lân người Giang Tây, tánh chơn chất, trọn đời làm ruộng. Năm sáu mươi ngoài tuổi, con trai chết, ông phải làm nuôi dâu góa cháu côi. Nhơn đó ông rất nhàm chán đời người phiền khổ, muốn tìm phương thoát ly.

Một hôm được nghe cư sĩ Lại Thiền Dung, cháu họ của ông, giảng giải pháp môn Tịnh độ, ông liền ăn chay trường niệm Phật, quyết chí vãng sanh. Chỉ có bệnh rượu, vì ghiền đã lâu nên chưa bỏ được. Cư sĩ Lại Thiền Dung cắt nghĩa những sự tội lỗi của người uống rượu, ông cố gắng chừa. Lúc đầu ông nghe khắp trong thân thể mỏi mê mệt nhọc, nhưng rồi lần lần thân thể càng khỏe, tâm trí lại có phần minh mẫn hơn và với sự niệm Phật lại sanh quan niệm ưa thích. Được ít lâu, niệm lực thuần thục, dầu cày cuốc suốt ngày, nhưng câu Phật không rời tâm. Người lân cận gặp ông đều chào rằng: “A Di Đà Phật”, ông cũng đáp lại: “A Di Đà Phật” .

Năm Dân Quốc thứ 8, chân ông sưng, đi đứng không tiện. Một hôm ông bảo người cháu đặt bàn hương án vọng về Tây phương và nói: “Cảnh giới Tây phương Cực Lạc rất đẹp! Cháu xem biết bao nhiêu là hoa sen báu sáng chói. Ông sẽ về Tịnh Độ trong ngày nay.” Người cháu nói: “Chân ông sưng yếu đi sao được.” Ông bảo: “Tâm đi chớ không phải thân máu thịt này đi!” Người cháu vâng lời trần thiết hương án, và giữa lúc người cháu thắp hương, ông ngồi kiết già xoay mặt về hướng Tây, chắp tay niệm Phật vài câu mà từ trần, thọ 75 tuổi.

Trích Đường Về Cực Lạc
Cố hòa thượng Thích Trí Tịnh