Một Tấm Gương Tu Tịnh Trọn Đời Không Khạc Nhổ Hoặc Quay Lưng Về Hướng TâySư Chí Thông họ Thạch, đời Tấn, người Phượng Tường. Một hôm, thấy nghi thức Tịnh độ của đại sư Trí Giả, sư không cầm được sự vui mừng và tự hứa là không xoay mặt về hướng tây khạc nhổ, không ngồi quay lưng về hướng tây, chuyên tâm niệm Phật. Sau này, sư thấy chim bạch hạc, khổng tước sắp thành hàng từ hướng tây bay xuống, lại thấy hoa sen hé nở ở trước mặt, sư nói: “Chim bạch hạc, khổng tước là cảnh Tịnh độ, tướng sáng của hoa sen là chỗ ta sẽ sinh về. Cõi Tịnh độ đã hiện ra rồi!” Nói dứt lời, sư đứng dậy lễ Phật và thị tịch. Lúc làm lễ trà tì có mây lành năm màu xuất hiện bay vòng quanh rồi trùm lên ngọn lửa và xá-lợi xếp lớp như vảy cá nơi thân sư.

  • Ghi chú:

Khạc nhổ tránh hướng tây, ngồi không quay lưng hướng tây, hết lòng như vậy thì không việc gì không thành tựu! Nay dùng tâm khinh mạn, tâm hời hợt mà muốn vãng sinh Tây phương thì rất khó. Có người nói: “Sao mà chấp quá vậy!” Ôi! Quán mặt trời lặn ở hướng tây[*]. Vì việc vãng sinh trong kinh ghi chép rất rõ ràng. Vả lại, Trí Giả đại sư lúc mới sinh ra đã ngồi kiết-già xoay mặt về hướng tây, thậm chí các bậc hiền tu Tịnh nghiệp đều ngồi xoay mặt về hướng tây thị tịch, những trường hợp như thế, không chấp mà được như vậy sao! Người có tâm tham đắm cảnh ô trược, trọn đời an nhiên ở trong đó, vừa nghĩ đến cõi Cực lạc, lại lo là chấp trước thì quá điên đảo. Ôi! Sao kì lạ quá!

[*] Quán mặt trời lặn ở hướng tây: theo pháp quán đầu tiên trong kinh Quán Vô Lượng Thọ.

Trích Vãng Sanh Tập
Nguyên tác: Sa-môn Châu Hoằng ở chùa Vân Thê soạn
Việt dịch: Thích Nguyên Lộc – Thích Thọ Phước
Hiệu đính: Định Huệ