Kiếp Trước Ăn Trộm Gạo Nên Kiếp Này Làm Ngựa Trả NợVào đời nhà Đường, ở huyện Văn Thủy thuộc Tịnh châu [nay là tỉnh Sơn Tây] có người tên là Lý Tín, làm vệ sĩ ở phủ Long Chính. Vào một mùa đông trong khoảng niên hiệu Hiển Khánh đời Đường Cao Tông [656 – 661] Lý Tín theo thông lệ đến Sóc Châu nhận việc, khi đi cưỡi con ngựa ký [ngựa ký là một giống ngựa hay, mỗi ngày có thể đi được đến ngàn dặm, tính rất thuần, dễ điều khiển] màu đỏ, có dắt theo một chú ngựa non. Bấy giờ đang lúc trời rất lạnh, gió rét, tuyết rơi dày, đi được hơn mười dặm thì ngựa không cất bước nổi. Lý Tín dùng roi quất ngựa, đến roi thứ mười thì ngựa bỗng cất tiếng nói như người, bảo Lý Tín rằng: “Tôi vốn là mẹ của ông trước đây. Bởi lúc còn sống phản bội cha ông, lấy trộm hơn một thạch gạo cho riêng đứa con gái nhỏ, nên bây giờ phải chịu quả báo thế này. Con ngựa non kia chính là em gái của ông, nhận số gạo ăn trộm ngày trước nên nay cũng chịu quả báo trả nợ đó.”

Lý Tín nghe qua không cầm được nước mắt, liền tháo dây cương với yên ngựa ra, tự mình mang lấy và nói với ngựa: “Nếu đúng là mẹ ta thì xin tự đi về nhà.” Ngựa lập tức theo đường quay về nhà.

Từ đó, mấy anh em nhà Lý Tín liền dựng một căn nhà riêng để nuôi dưỡng con ngựa ấy, cùng nhau chăm sóc. Có người bạn đồng nghiệp của bà trước đây thường vì bà mà cúng dường trai tăng, lễ sám. Cả nhà Lý Tín từ đó đều tinh tấn tu tập hành trì.

Quan Công bộ Thị lang là Ôn Như Ẩn cùng với quan Tư pháp Kỳ châu là Trương Kim Đình đều đang lúc ở nhà để tang cha mẹ, nghe biết chuyện này lấy làm lạ lùng kinh sợ, tìm đến tận nơi tra vấn, quả nhiên thấy ngựa vẫn còn đó.

  • Lời bàn:
Tiền bạc của cải có thể chung nhau sử dụng, ắt không đâu bằng trong gia đình vợ chồng con cái với nhau, ấy vậy mà trộm lấy của trong gia đình vẫn phải chịu quả báo nghiêm khắc, tơ hào không sai lệch. Những ai làm cha mẹ mà yêu ghét không công bằng, thiên vị với con cái, lấy của đứa này mang cho đứa khác, nên lấy đó mà răn mình, chẳng đáng sợ lắm sao!

Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến