Ngẫu Ích Đại Sư Giảng Về Pháp Môn Niệm Phật

Ngẫu Ích Đại Sư Giảng Về Pháp Môn Niệm PhậtPháp môn Niệm Phật chẳng có gì là lạ lùng, đặc biệt cả. Chỉ cốt yếu là tin sâu, tận lực hành trì mà thôi. Phật dạy: “Nếu ai chỉ niệm A Di Ðà Phật thì gọi là vô thượng thâm diệu thiền”. Ngài Thiên Thai nói: “Bốn thứ tam muội, cùng tên Niệm Phật, Niệm Phật Tam Muội là vua trong các tam muội”. Ngài Vân Thê nói: “Một câu A Di Ðà bao trùm tám giáo, nhiếp trọn năm tông”.

Tiếc rằng người đời nay nghĩ pháp Niệm Phật là tầm thường, thiển cận, cho là công phu của hạng ngu phu, ngu phụ. Ðó là vì tín chẳng sâu, hành cũng chẳng tận sức, suốt ngày lơ là, tịnh nghiệp chẳng hề đạt được. Dù có ai khéo bày phương tiện, muốn cho họ hiểu rõ môn tam muội này, nhưng cứ hễ động tới, họ liền cho rằng tham cứu chữ “ai” (ai là người niệm Phật) mới là hướng thượng, nào biết đâu cái tâm năng niệm – sở niệm hiện tiền vốn tự vượt khỏi những đối đãi, phân biệt, chẳng mảy may tác ý rời lìa hay tuyệt dứt cái gì. Tức là một câu Phật được ta niệm này đây cũng vốn tự vượt ngoài tình thức, lìa khỏi mọi phân biệt, phán đoán, nào phải còn nhọc nhằn đàm huyền thuyết diệu nữa ư?

Cốt sao tin cho đến nơi, giữ cho ổn, thẳng một bề mà niệm. Hoặc là suốt ngày đêm niệm mười vạn, hoặc năm vạn, ba vạn, lấy số câu quyết định chẳng thiếu làm chuẩn. Trọn cả đời này, thề chẳng biến cải. Nếu chẳng được vãng sanh thì tam thế chư Phật đều là nói dối. Một phen được vãng sanh sẽ vĩnh viễn chẳng thoái chuyển; các thứ pháp môn đều được hiện tiền.

Kỵ nhất hôm nay Trương Tam, ngày mai Lý Tứ. Gặp người bên Giáo, bèn toan tầm chương trích cú. Gặp kẻ bên Tông những mong tham cứu vấn đáp. Gặp người trì luật bèn toan đắp y, trì bát. Ðấy chính là kẻ chẳng hiểu mối đầu, chẳng tường gốc ngọn. Ðâu biết rằng niệm A Di Ðà Phật đến thuần thục thì những giáo lý chí cực của Tam Tạng mười hai bộ kinh cũng đều nằm trong ấy cả. Một ngàn bảy trăm công án, mấu chốt hướng thượng cũng nằm trong ấy cả. Ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, Tam Tụ Tịnh Giới đều nằm trong ấy cả.

Chân thật niệm Phật, buông bỏ thân tâm, thế giới xuống, chính là Ðại Bố Thí. Chân thật niệm Phật, chẳng khởi tham, sân, si nữa, chính là Ðại Trì Giới. Chân thật niệm Phật, chẳng quản thị phi, nhân ngã, chính là Ðại Nhẫn Nhục. Chân thật niệm Phật, chẳng mảy may gián đoạn, lai tạp, chính là Ðại Tinh Tấn. Chân thật niệm Phật, chẳng đuổi theo vọng tưởng nữa, chính là Ðại Thiền Ðịnh. Chân thật niệm Phật, chẳng bị lầm lạc bởi những trò ngoắt ngoéo của người khác, chính là Ðại Trí Huệ.

Hãy thử kiểm điểm: Nếu còn chưa thể buông thân tâm, thế giới xuống, tham – sân – si vẫn còn tự hiện khởi, thị phi – nhân ngã vẫn còn tự ôm giữ, gián đoạn – lai tạp còn chưa trừ sạch, chưa vĩnh viễn diệt hết chuyện rong ruổi theo vọng tưởng, các thứ trò ngoắt ngoéo của người khác vẫn còn lung lạc được mình thì chưa phải là niệm Phật chân thật.

Muốn đạt đến cảnh giới Nhất Tâm Bất Loạn thì cũng không có thuật chi khác. Cách hạ thủ ban đầu hết là phải dùng xâu chuỗi để nhớ số cho phân minh; khắc định khóa trình, quyết định chẳng thiếu. Nếu là kẻ Sơ Tâm mà thích bàn chuyện Khán Thoại Ðầu, muốn chẳng chấp tướng, muốn học viên dung tự tại thì nói chung là hạng tin chẳng sâu, hành chẳng tận sức. Dù có giảng được mười hai phần giáo, hạ được một ngàn bảy trăm câu Chuyển Ngữ cũng chỉ là chuyện bên bờ sanh tử; đến lúc lâm chung, hoàn toàn vô dụng. Hãy trân trọng!

Trích: Ngẫu Ích Đại Sư Pháp Ngữ

Vì Sao Niệm Phật Cho Người Sắp Lâm Chung Tốt Hơn Tụng Kinh?

Vì Sao Niệm Phật Cho Người Sắp Lâm Chung Tốt Hơn Tụng KinhKhi hộ niệm chúng ta niệm Phật, dùng công đức niệm Phật mà hồi hướng cho oan gia trái chủ thì cũng có tác dụng tương tự như đọc Kinh Địa Tạng. Nhưng niệm Phật có lợi hơn vì được phần vãng sanh. Nghĩa là, vừa tiêu bớt nghiệp, nếu nghiệp không hết thì cũng được đới nghiệp vãng sanh. (Đới nghiệp vãng sanh nghĩa là còn nghiệp nhưng mang nghiệp đi vãng sanh). Còn tụng kinh Địa tạng thì tiêu bớt nghiệp cho nhẹ bớt tội, nhẹ nhưng dễ gì hết, thành ra đành phải tùng theo nghiệp mà chịu sanh tử luân hồi. Có thể thoát điạ ngục, chứ không được đới nghiệp vãng sanh Tây phương, một đời thành tựu đạo quả.

Cúng thí thực để hoà giải chư đẳng vong linh cũng không sao. Cúng thí thực cũng là lòng từ bi thương xót chúng sanh, cũng vừa có hình thức lo lót, gỡ bớt những rắc rối từ chúng đẳng vong linh, chúng loại cô hồn, v.v… trong pháp giới.

Nhưng cúng thí thực thường bị vướng vào cái lệ là phải cúng thường xuyên, vì chúng vong linh các nơi khác có thể tới, nếu kẻ có người không đôi lúc cũng phiền hà! Sợ rằng chúng ta không có giờ, hoặc bận bịu đi làm, có ngày cúng, có ngày không cũng tạo trở ngại về sau. Cho nên, cúng thí thực nên dành cho các chùa, miễu… họ làm thì hay hơn, vì ở đó có người thường trực cúng thí hằng ngày, chúng ta đem tiền tới cúng dường cho chùa, nhờ chùa họ làm.

Tụng kinh Địa tạng thì giống như niệm Phật. Hình thức có khác nhưng mục đích đều để hoá giải oan gia trái chủ, giải bớt nghiệp cho người bệnh. Có thể liệt kê ra vài điều cụ thể hơi khác sau đây:

1/Tụng kinh thì cần phải có lòng chân thành trì tụng, lúc tụng phải thành khẩn nhiếp tâm vào lời kinh mới có hiệu dụng, nếu tụng không chân thành thì không có hiệu dụng lắm. Còn niệm Phật thì chỉ có 6 chữ nên rất dễ nhiếp tâm.

2/ Tụng kinh dài quá thường bị lộn, bị quên làm tâm dễ xao lãng, lo ra… còn niệm Phật thì không thể quên được, tâm không lo gì lời kinh cho nên dễ nhiếp tâm niệm Phật, cầu Phật gia trì, tiếp độ dễ dàng.

3/Tụng kinh thì nguời bệnh không thể tụng theo được, khó hiểu được ý kinh và lời kinh. Còn niệm Phật thì người bệnh có thể niệm theo dễ dàng, hiểu dễ dàng.

4/Tụng kinh rất khó khai thị, hướng dẫn, còn niệm Phật thì khai thị hướng dẫn thường xuyên, nhắc nhở kịp thời, thấy chướng nạn xảy ra kịp thời khai thị, hướng dẫn, điều giải, vỗ tay, hoan hô, khích lệ… làm cho người bệnh lên tinh thần, thấy hết khổ, hết sợ chết, vui vẻ cầu vãng sanh.

5/Tụng kinh gieo duyên Phật pháp thì được, chứ trực tiếp cứu độ vãng sanh thì rất phiêu phỏng. Còn niệm Phật thì trực tiếp cứu độ vãng sanh. Nếu niệm có yếu đi nữa thì cũng kết duyên Phật pháp. Rõ ràng, niệm Phật thì có lợi hoặc ít ra cũng được huề vốn, còn tụng kinh nếu tốt thì được huề vốn còn không thì bị lỗ. Như vậy niệm Phật vẫn hay hơn.

Nên nhớ, 10 niệm tất vãng sanh là niệm 10 câu Phật hiệu trước phút xả bỏ báo thân, chứ không phải tụng 10 bộ kinh.

Cho nên, lúc còn tỉnh táo thì có thể tụng kinh để vừa lòng người(!), tụng vài biến rồi niệm Phật cũng tốt chứ không có gì trở ngại, chứ còn cứ tiếp tục tụng kinh cho đến chết luôn thì coi chừng người chết bị lỗ vốn, vì họ không biết đường nào để vãng sanh! Không biết thì phải đành theo nghiệp thọ báo trong lục đạo thôi! Xấu tốt khó đoán lắm! Vì nên nhớ, oan gia trái chủ luôn luôn là mối nguy hại đáng sợ cho người chết. Không biết điều giải, không dễ gì họ buông tha. Nghiệp chướng nặng nề, gỡ một đôi phần không thấm thía gì đâu!

Nói tóm laị, niệm Phật có lợi lạc rất nhiều, tụng kinh cũng có lợi, nhưng không nhiều bằng niệm Phật.

Cố gắng giúp cho nguời bệnh niệm được 10 câu Phật hiệu A-di-đà Phật lúc lâm chung cầu sanh cực lạc thì giúp họ vãng sanh thoát vòng sanh tử thật quí hoá vô cùng, thật là một đại ơn huệ cho họ.

Cư sĩ Diệu Âm Úc Châu

Lâm Chung Trì Chú Không Tiêu Nghiệp Liền Bỏ Trì Chú Để Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng Sanh

Lâm Chung Trì Chú Không Tiêu Nghiệp Liền Bỏ Trì Chú Để Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng SanhCư sĩ Trương Trân Ngọ thời Dân Quốc, sang Nhật học Y và học Mật Tông. Sau ông mắc bịnh thũng, nghiệp cảnh hiện tiền. Lúc bình thường, ông trì chú thấy có linh nghiệm, lúc này trọn không có hiệu quả gì. Ông bèn chuyên niệm Phật thì nghiệp cảnh mới tiêu diệt. Ông liền dẹp hết thuốc men, nhất tâm trì danh. Vợ ông khuyên hãy nên ăn uống, ông bảo:

– Bà đừng khuấy nhiễu tôi, chỉ nên giúp tôi niệm Phật và thỉnh đạo hữu họp lại trợ niệm. Tôi sẽ đi trong ngày hôm nay.

Ðạo hữu đến, đồng thanh trợ niệm. Ông cũng nương theo đó, niệm theo rõ ràng; đoạn kết ấn, niệm Phật mà qua đời.

(Theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục, bản in lần thứ ba)

Nhận định:

Lâm chung nghiệp cảnh hiện tiền, há chẳng phải là để thấy trước ác đạo đó chăng? Lúc ấy, trì chú hoàn toàn chẳng có công năng gì, may nhờ chuyển sang niệm Phật và nhóm đạo hữu lại trợ niệm thì nghiệp mới tiêu, được vãng sanh. Những kẻ bỏ Tịnh Ðộ để tu Mật, khá nên lấy đó làm gương!

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Nhờ Liên Hữu Trợ Niệm Đắc Lực Được Vãng Sanh Tây Phương

Nhờ Liên Hữu Trợ Niệm Đắc Lực Được Vãng Sanh Tây PhươngCư sĩ Dương Liên Hàng thời Dân Quốc, người huyện Dư Diêu tỉnh Triết Giang. Nhà nghèo, làm nghề buôn bán. Nghe lời ông Ðồng Giác Hàng tu Tịnh nghiệp, lâu ngày đối với giáo nghĩa giải ngộ siêu quần.

Ông tham dự Liên Xã niệm Phật. Vì bị bịnh nên lại sát sanh, dần dần xa lìa các liên hữu. Sau bịnh nguy kịch, liên hữu bảo ông ắt phải chết. Tự xét mình không thể nào qua nổi, ông hoảng sợ, hối hận, bèn gắng sức đến trước Phật, tận tình bày tỏ, dốc lòng thành sám hối, lại giữ Ngũ Giới, thề chẳng tái phạm.

Từ đấy trở đi, ông buông bỏ vạn duyên, quét sạch ái dục, nhất tâm thầm niệm Phật hiệu đợi lúc lâm chung. Liên hữu biết công năng trì danh của ông nông cạn nên trước hết vì ông thỉnh người trợ niệm. Hai ngày sau, liên hữu cũng trợ niệm. Ông chợt thấy thần khí thanh sảng, mộng thấy quang minh. Ðến canh hai, liên hữu sắp ra về, chẳng biết rằng đến lúc đó, việc trợ niệm đã có hiệu lực. Ông liền bảo:

– Tôi chưa đến được Tây Phương, xin liên hữu lớn tiếng niệm Phật trợ niệm suốt đêm, đừng để lỡ!

Mọi người lại cao giọng niệm Phật, lại luôn luôn khích lệ ông. Chợt ông mỉm cười bảo:

– Tôi nay đã đến Tây Phương rồi, hoa sen đẹp quá! Ao báu đẹp quá! Quang minh đẹp quá!

Mắt ông nhìn chăm chú vào tượng Phật mà qua đời. Mọi người vẫn trợ niệm đến khi thân ông đã lạnh mới thôi, chẳng cho người nhà khóc than. Ðến trưa hôm sau, đảnh đầu ông vẫn còn ấm, thọ ba mươi tuổi!

(theo Cận Ðại Vãng Sanh Truyện)

Nhận định:

Công phu trì danh nông cạn mà được vãng sanh là do sức liên hữu trợ niệm. Trợ niệm khẩn yếu như thế đó. Xin hãy đề xướng rộng rãi. Nếu như không có liên hữu thì xin hãy dùng băng niệm Phật để trợ niệm, tạm dùng làm phương tiện cũng có thể được hưởng đại lợi vãng sanh vậy!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập