Bạn Đã Thật Sự Biết Cách Cung Kính Kinh Điển Chưa?

Bạn Đã Thật Sự Biết Cách Cung Kính Kinh Điển ChưaLà người nghiên cứu Phật pháp, đầu tiên chúng ta phải học biết cách đặt để Kinh sách. Như tất cả Kinh điển trong 12 bộ 3 tạng, bất luận là bộ nào, chúng ta đều phải trân trọng hơn cả mạng sống của mình, quý trọng hơn bất kỳ những thứ gì quý giá trên đời. Kinh Kim Cang nói: “Nơi nào có mặt Kinh điển, nơi đó có Phật.” Cho nên nói Kinh điển là nơi mà pháp thân Phật hiện hữu.

Phát tâm in ấn Kinh điển, đọc tụng, cung kính Kinh sách đều là điểm khởi nguồn phát sanh vô lượng trí tuệ; nhưng nếu có tâm bất kính cũng khiến người ta đọa lạc vào nơi không như ý. Khi đặt để Kinh sách, chúng ta phải lưu ý những điều sau đây:

+ Kinh Phật là Pháp bảo, là kim chỉ nam dẫn đường cho chúng sanh thoát khổ, nên phải cung kính tôn trọng, nếu có hư rách phải kịp thời tu bổ, không được đốt bỏ hoặc vứt đi. Nơi nào có Kinh điển, nơi đó có long thần hộ pháp bảo hộ, nếu vì Kinh điển hư rách mà chúng ta bỏ mặc, vứt vào một xó thì tội lỗi cũng sẽ vô lượng.

+ Kinh Phật phải được đặt lên trên tất cả sách vở khác. Những kinh, luật, luận của thế gian đặt ở tầng kế. Kinh sách đặt từ trên xuống dưới theo thứ tự như sau: Bản gốc Kinh điển, sách chú thích Kinh điển, những sách vở Phật học thông dụng, sách ngôn luận của các bậc Thánh hiền, những sách vở có tính cách giáo hóa, cuối cùng là những sách vở thông thường.

+ Không được vẽ, viết lung tung trên Kinh sách; không được vừa nói chuyện, ăn uống vừa xem Kinh.

+ Phải cung kính đặt kinh sách lên chỗ cao ráo sạch sẽ, không được tùy ý vứt trên giường, trên ghế và những chỗ không thanh tịnh.

+ Khi dùng tay cầm hoặc đặt Kinh sách vào trong túi mang đi không được để thấp hơn thắt lưng, không được cặp nách.

+ Không được bày biện lung tung trên bàn đọc Kinh, hoặc nằm dài xem Kinh, càng không được tay dơ đụng vào Kinh.

+ Không được dùng miệng thổi bụi trên Kinh, phải dùng khăn sạch chuyên dụng để lau bụi.

+ Nếu phòng học và phòng ngủ chung với nhau (ở đây chỉ cho phòng đơn) thì khi ngủ phải dùng khăn sạch đậy lên trên Kinh và phải đặt ở phía trên đầu của mình.

+ Không được ở nơi có Kinh điển có những hành vi nhơ uế.

+ Khi xem Kinh đến đâu nên dùng mảnh giấy nhỏ ngăn ra làm dấu. Không được xếp trang, xếp góc hoặc lật úp mặt Kinh xuống theo kiểu hình chữ “人”。

+ Khi xem Kinh phải chuyên tâm, nếu khởi tạp niệm phải đóng Kinh lại, đợi có chánh niệm mới tiếp tục xem.

+ Nếu không có thời gian rảnh để đọc nên cúng dường quyển Kinh lại cho người khác, đó cũng là một cách làm cho Phật pháp được lưu thông.

+ Không được xem Kinh trong phòng vệ sinh.

+ Không được dùng tay thấm nước miếng lật Kinh.

Huệ Trang dịch

Bổn Phận Người Phật Tử Tại Gia

Bổn Phận Người Phật Tử Tại GiaA. Mở Ðề

1. Người đời ai cũng có bổn phận:

Người ta sanh ra trên hoàn vũ này, ai cũng có bổn phận. Nói một cách tổng quát, thì đã có cái danh, tất phải có cái phận. Con kiến, con ong, có cái phận của kiến, của ong; mặt trăng, mặt trời có cái phận của mặt trăng, mặt trời. Dù nhỏ dù lớn, mọi vật mọi người đều có cái phận riêng của mình. Những điều cần phải làm, đối với cái phận ấy, chính là bổn phận.

Danh càng lớn, thì phận càng nhiều; phận càng nhiều thì bổn phận càng nặng. Hễ có thêm một cái danh là có thêm bổn phận. Càng nhiều danh lại càng nhiều bổn phận…Người có bổn phận của người; nhưng khi người + làm quan, tất nhiên ngoài bổn phận người, có thêm bổn phận làm quan,Nếu muốn có nhiều danh, mà lại muốn trút bớt bổn phận, thì là gian lận, lừa bịp. Và khi ấy, cái danh ấy chỉ là hư danh. Và khi danh đã hư, thì mọi viẹc đều hư cả. Cho nên người xưa đức Khổng Tử nêu lên thuyết “Chính danh” để chỉnh đón xã hội là vì thế.

2. Người Phật tử tại gia lại có nhiều bổn phận hơn ai cả:

Dựa vào lý luận trên mà suy diễn, chúng ta thấy bổn phận của người Phật tử tại gia thật là nặng nề. Cái danh của chúng ta gồm có đến năm chữ: Người + Phật tử + tại gia. Như thế, tất nhiên chúng ta có những bổn phận của người + bổn phận của Phật tử +bổn phận tại gia. Ðó là chưa kể người Phật tử tại gia ấy còn có những cái danh khác như: Công chức, Giáo sư, Tỉnh trưởng v.v…Nhưng để cho vấn đề này khỏi đi vào chi tiết quá; dưới đây chúng ta chỉ nói đến bổn phận người Phật tử tại gia mà thôi. Nhưng nếu muốn vấn đề được đặt một cách sáng sủa, giản dị, và sát sề hơn nữa, chúng tôi đề nghị nên bỏ bớt chữ người nữa. Nghĩa là chúng ta sẽ không nói đến bổn phận của người ở đây; bổn phận ấy mọi người, vì đã là người đều biết cả rồi (trong mọi sách luân lý, công dân đều có nói đến).

Như thế dưới đây, chúng tôi chỉ xin đề cập đến “bổn phận của Phật tử tại gia” mà thôi.

B. Chánh Ðề

Bổn phận của Phật tử tại gia là những gì?

Phật là bậc toàn trí, toàn năng, toàn đức, đã dứt sạch ngã chấp, pháp chấp tất cả việc lành gì cũng được, nên công đức được đầy đủ và Phật đã biết rõ các phép đều tuân theo luật nhân quả, nên bao giờ cũng chỉ biết gieo nhân lành, làm việc lành.

Phật tử , muốn được làm con Phật , muốn theo dấu chân Phật , muốn xứng đáng với danh từ Phật tử , tất phải làm tròn bổn phận của Phật tử nghĩa là nghe những lời Phật đã dạy, làm theo những việc Phật đã làm, đi theo con đường Phật đã đi.

Phật tử , đáng lẽ phải làm y như thế đó. Nhưng bởi vì chúng ta là Phật tử tại gia, nên chưa có thể hoàn toàn theo đúng như Phật. Hai chữ tại gia ràng buộc chúng ta trong những bổn phận mà chúng ta phải làm tròn.

Do đó, Phật tử tại gia, có những bổn phận như sau:

Bổn phận đối với tự thân

Bổn phận đối với gia đình, quyến thuộc

Bổn phận đối với người ngoài gia đình.

I. Bổn Phận Ðối Với Tự Thân

Tu tâm đương tánh Ngoài bổn phận làm người cho xứng với danh nghĩa con người, cho tròn nhân cách, Phật tử còn luôn luôn cố gắng trau dồi đức hạnh, tu tâm dưỡng tánh, để cho thân tâm được an lạc, thanh tịnh, hầu hưởng được hạnh phúc trong hiện tại và bước lên đường giải thoát trong tương lai.

Mỗi Phật tử phải luôn luôn cố gắng vượt lên khỏi kiếp người, vượt ra ngoài lục đạo. Chúng ta từ vô thỉ đến nay, vẫn sống say chết ngủ trong trường giả danh mộng huyền, luân hồi đã nhiều đời nhiều kiếp mà chúng sanh cũng hoàn lại chúng sanh. Ngày nay, chúng ta may nhờ phúc báo đời trước, được làm học trò Phật , mắt được trong vào quyển kinh, tai được nghe Phật pháp, cũng như đêm tối sẵn có đèn, trong bể khổ gặp thuyền tế độ. Nếu chúng ta không gắng sức tu tập, dứt bỏ những thói quen mê lầm phiền não, để cho tâm tánh chúng ta được tiến hóa dần đến chỗ hoàn toàn viên mãn, thì sao cho khỏi phụ duyên lành đời trước của chúng ta và phụ công ơn đức Thích Ca , đấng Từ phụ đã hiện thân thuyết pháp, chỉ bày cho chúng ta những phương pháp tu hành để thoát khỏi sanh tử luân hồi. Phương pháp tu hành mà một Phật tử tại gia phần giải quyết tâm thực hiện là: giữ Ngũ Giới, tu Thập thiện, sám trừ các phiền não, chuyên tâm niệm Phật , phát tâm từ bi tế độ. Có như thế thì chúng ta mới có thể vượt ra khỏi kiếp người, bước thêm một bước dài trên con đường giải thoát.
II. Bổn Phận Ðối Với Gia Ðình

Phật tử tại gia còn có gia đình quyến thuộc, nên còn nhiều bổn phận không thể làm ngơ được. Phật tử có cha mẹ, vợ hay chồng, con cái, bà con thân thích, người giúp công hay kẻ mướn việc…Ðối với mỗi hạng người ấy, Phật tử đều có mỗi cách đối xử, mỗi bổn phận.

Theo kinh Thiện Sanh, thì Phật tử tại gia có những bp như sau đối với những người trong nhà:

1. Bồn phận con đối với cha mẹ, phải đủ năm điều:

a) Làm con phải hết lòng hiếu kính đối với cha mẹ, tùy theo mùa tiết hàn, nhiệt, mà chăn nom mền chiếu, ấm áp hợp thời, để cha mẹ được nghỉ ngơi yên giấc.

b) Làm con mỗi ngày phải dậy sớm, để phân công việc cho người làm lụng đúng giờ, và lo sắp đặt miếng ăn thức uống cho cha mẹ được vừa miệng đẹp lòng.

c) Làm con phải gánh vác tất cả công việc nhọc nhằn, thay thế cho cha mẹ, để cha mẹ được thư thới, vui vẻ trong tuổi già.

d) Làm con phải nhớ nghĩ luôn luôn đền ơn sanh thành, dưỡng dục, để lo báo đáp cho kịp trong lúc cha mẹ còn sanh tiền.

đ) Làm con, khi cha mẹ đau ốm, phải hết lòng săn sóc, hầu hạ bên giường, không nài khó nhọc và ân cần rước thầy xem mạch, thuốc thang điều trị không sợ hao tốn.

2. Bổn phận cha mẹ đối với con, cũng phải đủ 5 điều:

a) Phải dạy dỗ con dứt trừ tất cả điều hung ác, làm tất cả điều lành, để trở nên người có đức hạnh.

b) Phải khuyên răn con cái, nên gần gũi người trí tuệ.

c) Phải nhắc nhở con cái, cần mẫn học hành.

d) Phải liệu định cưới gả con cái cho kịp lúc xuân thời.

đ) Phải cho con cái bàn tính tham dự việc nhà, cùng góp công trong sự xây dựng hạnh phúc gia đình.

3. Bổn phận vợ đối với chồng, phải đủ 5 điều:

a) Phải kính yêu và hòa thuận với chồng, khi chồng ra đi hay trở về, phải đưa đón niềm nở.

b) Khi chồng đi vắng, ở nhà phải lo quét dọn, may vá, cơm nước sẵn sàng, đợi chồng về mới cùng ăn uống.

c) Phải giữ gìn tiết hạnh, không được ngoại tình.

d) Lúc chồng nóng giận nặng lời, không nên bừng mặt cãi lẫy, làm mất hòa thuận và có khi phải rã rời giềng môí. Lại khi chồng có lời khuyên bảo chánh đáng, vợ phải vâng theo; kho có món ngon vật quí, không nên dùng riêng cho mình.

đ) Mỗi đêm, khi chồng ngủ rồi, phải xem xét cửa nẻo, trước sau đóng gài kín đáo, cất đặt cẩn thận, soi rọi khắp cả trong nhà, rồi mới đi ngủ sau.

4. Bổn phận chồng đối với vợ, cũng phải đủ 5 điều:

a) Khi vợ ra đi hay lúc trở về, phải đưa đón niềm nở.

b) Phải ăn uống cho có giờ khắc, và đừng quá khó khăn, để vợ khỏi phải làm phiền lòng nấu nướng không chừng, và lo lắng cực nhọc.

c) Phải tùy phận giàu nghèo của mình, để vợ mua sắm áo quần và đồ trang sức vừa theo sở thích, không hẹp lòng làm vợ buồn phiền.

d) Phải tin cậy phó thác cho vợ các công việc nhà.

đ) Không được sanh tâm tà vạy, sớm mận tối đào, làm cho vợ ghen tuông sầu não.

5. Bổn phận đối với bà con thân thích, phải có đủ 5 điều:

a) Khi thấy bà con có người làm việc chẳng lành, thì phải thượng xót khuyên can, răn nhắc.

b) Trong bà con thân thích, có người nào bị đau ốm, tai nạn, tật nguyền, thì phải hết lòng giúp đỡ, hoặc cơm cháo thuốc men, hoặc áo quần, tiền bạc v.v..

c) Những việc kín đáo, riêng tư của người này, mình có biết cũng không nên tiết lộ cho người khác biết.

d) Bà con thân thích, phải năng tới lui thăm viếng, nhắc nhở nhau tránh dữ làm lành. Ðôi khi có ý kiến chẳng đồng, cũng nên hoan hỷ, đừng cố chấp giận hờn nhau.

đ) Trong thân bằng quyến thuộc, có kẻ giàu người nghèo, lẽ cố nhiên người dư ăn dư để, phải giúp đỡ cho kẻ thiếu hụt.

6. Bổn phận chủ đối với người giúp việc trong nhà, phải có đủ 5 điều:

a) Chủ nhà trước khi sai khiến người giúp việc làm gì, trước phải biết họ, đói, no, ấm, lạnh thế nào để họ có đủ sức khỏe và vui lòng làm lụng.

b) Lúc nào người giúp việc làm gì, trước phải biết họ, đói, no, ấm, lạnh thế nào để họ có đủ sức khỏe và vui lòng làm lụng.

b) Lúc nào người giúp việc bị bịnh loạn, phải chăm non thuốc thang và để cho họ được nghỉ ngơi, để bồi bổ sức khỏe lại.

c) Khi họ có phạm lỗi gì, phải xét coi họ cố ý hay vô tình. Nếu vô ý lầm lỡ, thì nên dung thứ; nếu họ quyết lòng phá hại, thì phải làm nghiêm trách hẳn hoi, với lời lẽ thanh nhã, cho họ biết lỗi để chừa.

d) Khi họ tiện tặc tích góp được số tiền riêng, không nên tìm cách thâu đoạt.

đ) Khi muốn thưởng công lao cho họ, phải giữ mực công bình, tùy công lao của mỗi người mà phân chia cho cân xứng.

7. Bổn phận người giúp việc đối với chủ nhà, cũng phải có đủ 5 điều kiện:

a) Mỗi buổi sáng phải thức dậy trước chủ nhà, không đợi kêu.

b) Phải biết phần việc nào của mỗi ngày, cứ y như thường lệ mà thi hành, không đời chủ sai bảo.

c) Khi làm việc phải thận trọng đồ dùng của chủ, không làm vụt chạc, hư hao.

d) Phải hết lòng kính mến chủ nhà, lúc chủ ra đi, phải ân cần đưa tiễn, lúc chủ trở về, phải vui mừng tiếp đón.

đ) Không nên chỉ trích, nói xấu chủ với người ngoài.

III. Bổn Phận Ðối Với Người Ngoài Gia Ðình

Những người ngoài gia đình, chúng tôi muốn nói ở đây, không phải những người xa lạ, hay hàng xóm láng giềng, mà chính là những người có sự liên quan mật thiết với chúng ta, nhưng không cũng quyến thuộc, không ở chung dưới một mái nhà, nên tạm gọi là những người ngoài gia đình.

Những người nầy giữ vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta, lái chúng ta đi trên con đường hiểu biết đạo đức, góp một phần lớn lao trong việc xây dựng hạnh phúc cho chúng ta. Ðó là những vị thầy dạy dỗ và những vị Tăng già và thiện hữu tri thức.

1. Bổn phận học trò đối với thầy, phải đủ 5 điều:

a) Phải kính mến thầy như cha mẹ

b) Phải vâng lời thầy dạy bảo.

c) Phải giúp đỡ thầy trong cơn hoạn nạn.

d) Phải siêng năng học tập cho vui lòng thầy.

đ) Khi thôi học rồi, cũng phải năng tới lui thăm viếng thầy, để tỏ lòng cảm mến công ơn dạy dỗ và quý trọng tài đức của Thầy..

2. Bổn phận thầy đối với trò, cũng phải đủ 5 điều:

a) Phải cần mẫn dạy dỗ học trò.

b) Phải cố gắng làm sao cho học trò mình mau tiến bộ hơn học trò khác, về tài năng cũng như về đức hạnh.

c) Phải để ý đến những điều cấn yếu làm sao cho học trò in sâu mãi vào tâm trí.

d) Phải giảng giải rõ ràng các lý thuyết mắc mỏ và hỏi lại nhiều lần cho học trò không lầm lạc.

đ) Phải có lòng rộng rãi, mong muốn làm sao cho học trò mình được trở nên giỏi hơn mình.

3. Bổn phận Tín đồ đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức phải đủ 5 điều:

a) Phải hết lòng thành thật đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức.

b) Phải cung kính và vâng lời dạy bảo của quí vị minh sư và các thiện hữu.

c) Phải chăm chỉ nghe lời giảng dạy của các vị Tăng già đức độ, thẩm xét cho kỹ lưỡng rồi như pháp mà tu hành.

d) Phải cầu học với chư Tăng và thiện hữu những chỗ bí yếu về đạo lý mà mình chưa hiểu.

đ) Phải cầu thỉnh các vị minh sư chỉ dạy cho mình những pháp môn cần yếu, như “tham thiền”, “niệm Phật ” để ngày đêm chuyên tâm tu trì, không gián đoạn.

IV. Cách Xưng Hô Và Một Số Nghi Thức Cần Thiết Của Người Phật Tử Tại Gia

Ngoài những bổn phận nói trên, Phật tử tại gia còn cần phải biết cách xưng hô khi tiếp xúc với quý vị Tăng già, và những nghi thức cần thiết khi đến chùa, khi lễ Phật , cầm kinh v.v…Ðã là Phật tử , thì những điều này, mặc dù là hình thức, cũng không thể không biết đến.

Cách chào hỏi và xưng hô với Tăng già:

Phật tử phải biết cách đối xử, xưng hô với chư Tăng cho phải phép:

a) Khi gặp một vị hay nhiều vị Tăng tại chùa hay ngoài đường, nên chắp tay kính cẩn chào, bằng cách niệm: “Nam mô A Di Ðà Phật “, với vẻ mặt hoan hỷ với mình. Lối chào ấy biểu lộ một tình cảm đậm đà, còn hơn lối chào bắt tay của người Âu Tây. Sở dĩ chào nhau bằng một câu bảo hiệu Phật , là để nhắc rằng ai cũng có Phật tánh (bản tánh A Di Ðà), nếu quyết chí tu, rồi cũng đến được cảnh giới Tịnh độ và cuối cùng sẽ thành Phật.

b) Về cách xưng hô, Phật tử tại gia không nên kêu chư Tăng bằng Huynh hay Sư huynh hay Ðạo hữu mà nên kêu bằng thầy, mặc dù vị ấy là đồng sư.

Những tiếng Thượng Tọa, Ðại Ðức không nên quá lạm dụng, không phải đối với vị sư nào cũng gọi là Thượng Tọa hay Ðại Ðức được cả. Chỉ đối với những vị sư có đạo hạnh, nhiều niên lập (tuổi Ðạo), và đối với mình chưa quen thân lắm, mới nên dùng chữ Thượng Tọa hay Ðại Ðức. Ðối với các vị Bổn sư, các vị Tăng già mình thường quen biết, dùng chữ “Thầy” là phải cách và đầy đủ ý nghĩa nhất. Thầy là có ý tôn kính như cha (quân, sư, phụ) và là người thường dạy bảo mình trên đường tu tập. Thầy có vẻ vừa tôn kính, vừa thân mật, vừa chân thật, chứ không như chữ Thượng Tọa hay Ðại Ðức có vẻ xã giao kiểu cách, đãi bôi, bề ngoài. Hiện nay đang lan tràn cái dịch, dùng danh từ Thượng Tọa và Ðại Ðức. Chúng ta nên thận trọng mỗi khi dùng những chữ ấy, để khỏi bị người ngạo đạo hiểu lầm là quí vị Tăng già muốn được gọi như thế, vì còn thích chức tước, hư danh.

c) Trước khi vào Chánh điện lễ Phật , phải rửa mặt, súc miệng, rửa tay cho sạch sẽ, để giày gút ngoài thềm cửa, đừng mang vào Ðiện mà tổn Phước. Khi tiến tới Ðiện thì đi ở phía trái, khi ra thì đi về phía hữu, theo cách “hữu nhiễu” của nhà Phật (đi quanh theo chiều hữu, ba hay bảy vòng, để tỏ lòng kính mến Phật ).

Khi đi ra, phải chú ý coi chừng dưới chân, để tránh khỏi sự dẫm đạp trùng kiến. Giữ được như thế, được phước đức hơn là phóng sanh mà không biết giữ.

d) Khi tụng kinh, phải chắp hai tay ngang ngực, mười ngón tay từng cặp bằng nhau, không so le, hai lòng bàn tay khít lại, đừng để trống giữa. Chân đứng ngang bằng, hình chữ “bát”, mắt ngó xuống, chăm chỉ tụng cho các câu rành mạch, không nên ỷ giọng hay, tụng to tiếng động chúng. Phải tụng cho ăn nhịp, theo tiếng mõ và tiếng tụng của ông Duy na (dẫn đầu).

Khi lễ Phật , năm vóc phải sát đất, nghĩa là đầu, hai tay, hai gối, phải sát chiếu, hết lòng thành kính mà lễ. Khi lạy phải xích qua một bên, vì phía sau còn có chùa thờ Hộ pháp hay tượng Phật và nhương chỗ cho ngôi Trụ trì. Khi lễ Phật xong, đi ra phải bước lui, mắt ngó tượng Phật , đừng quay lưng lại.

đ) Trước khi cầm kinh hay tụng phải rửa tay. Cầm kinh sách đem đi đâu, nên ôm trên ngực, đừng cặp bên nách như quyển sách thường, vì kính kinh như kính Phật. Nếu cầm kinh mà muốn chào người, thì phải để kinh trên bàn trước khi chào. Gặp trường hợp không có chỗ để kinh, thì ôm vào ngực mà chào: “A Di Ðà Phật ” là được. Kiêng nhất là cầm quyển kinh mà xá chào người.

Trên đây là kể sơ lược một số oai nghi tế hạnh mà Phật tử tại gia phải giữ gìn. Oai nghi của người xuất gia thì nhiều lắm, nhưng không phải phạm vi của bài này, nên không nói đến.

C. Kết Luận

Khuyên Phật tử tại gia giữ tròn bổn phận.

Bổn phận của Phật tử tại gia như vừa trình bày ở trên, tuy kể ra thì nhiều, nhưng không có gì là cao kỳ khó khăn phức tạp. Những điều ấy, một người chưa phải là Phật tử , nhưng có chút đức hạnh, cũng đã hiểu rồi, biết rồi.

Nhưng điều quan trọng ở đây, không phải là hiểu biết mà là thực hành, những điều đã hiểu biết ấy. Trong cuộc sống tầm thường hằng ngày, làm tròn bổn phận có nhiều khi còn khó hơn là ra trận giết quân thù, hay trèo non lội suối. Những công việc khó khăn như bất thường này chỉ cần vận động sự cố gắng và hăng hái trong một khoảng thời gian nhất định, chứ những bổn phận tầm thường hằng ngày, muốn làm cho tròn, phải vận dụng sự kiên nhẫn và cố gắng suốt cả đời. Vì lý do ấy mà tục ngữ ta có câu: ” Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”.

(bổn phận người + bổn phận quan). Và nếu người làm quan ấy lại làm quan đầu tỉnh, (người + quan + đầu đỉnh) thì tất nhiên ngoài hai bổn phận trên, còn thêm bổn phận cai trị cả tỉnh nữa (bổn phận người + bổn phận quan + bổn phận cai trị cả tỉnh).

Vậy chúng ta không nên xem thường những bổn phận tầm thường của chúng ta, mà phải luôn luôn cố gắng làm cho tròn. Sự cố gắng này sẽ đem lại cho chúng ta một phần thưởng chắc chắn thật là đưa dần chúng ta lên đường giải thoát.

Thích Thiện Hoa

Hỏi Đáp Thắc Mắc Về Thiền Tịnh Của Trần Sương Phụ

Hỏi Đáp Thắc Mắc Về Thiền Tịnh Của Trần Sương PhụHỏi: Tham thoại đầu có giống niệm Phật Di-đà không? Hiệu dụng của thiền tịnh khác nhau chăng?

Đáp: Thoại đầu là dùng nghi tình để nhiếp niệm của Thiền Tông. Nghi nhỏ ngộ nhỏ, nghi nhiều ngộ nhiều, đốn nghi đốn ngộ, tiệm nghi tiệm ngộ, không nghi không ngộ. Có người tham câu: “Trước khi cha mẹ chưa sinh, bản lai diện mục của ta là gì?”; có người tham câu “Niệm Phật là ai?”; có người tham câu “Cây bách trước sân”; có người tham câu “Que cứt khô” (Càn thỉ quyết), “Ba cân mè”, “Con chó không có Phật tánh”… Công án không phải một. Hành nhân chỉ cần nắm chắc một câu thoại đầu, sớm tối tham tìm, từng khắc chiếu cố, gấp rút cũng vẫn như thế, ào ạt cũng vẫn như thế, như gà ấp trứng. Đến khi thời tiết nhân duyên chín mùi, bỗng nhiên òa vỡ một tiếng, khám phá thoại đầu bổn tham giống như thùng sơn lủng đáy, rỗng rang biết được tâm mình, thấy được tánh mình, thì trong ngoài tinh thô của mọi vật đều đến được mà toàn thể đại dụng của tâm ta đều thấu tỏ. Đây là pháp môn phương tiện của Thiền Tông chớ không thuộc về pháp môn niệm Phật của Tịnh độ tông. Tông thú không đồng, tác dụng tự có khác. Nhưng hành nhân Tịnh độ tông niệm niệm Di-đà, tịnh niệm nối nhau, đến khi công phu thuần thục, động tịnh nhất như, thì tâm năng niệm và Phật sở niệm trọn vẹn không thể được, thấy ngay tự tánh Di-đà, công dụng cũng không khác gì Tham thoại đầu. Đó gọi là “Giữ tâm một chỗ, không việc gì chẳng xong”. Cho nên niệm Phật A-di-đà lại thêm nghi tình “Niệm Phật là ai?”, cũng có thể coi là dụng công thoại đầu. Dùng pháp Thiền Tịnh song tu này thì nói Phật A-di-đà là thoại đầu có gì lại không được.

Hỏi: Tâm Kinh và Chú, nếu niệm tụng thường thì diệu dụng như thế nào, trị ma? hay cứu nạn?

Đáp: Tất cả kinh chú, diệu dụng vô cùng. Như thường niệm không dứt lâu ngày thành khối, hễ niệm đến thì ma nạn đều tiêu ngay. Ma do tâm sinh, thường trì tụng, Phật tướng còn không thì làm gì có việc ma? Cho nên có người hỏi Lục Tổ về việc ma, Tổ Đáp: “Trong chánh pháp ta không có những việc như thế”. Nạn là do nghiệp đời trước, tâm thường trì tụng thì năng sở đều không, thọ như không thọ. Vì thọ ấm không, nên nói: “Hay trừ tất cả khổ, chân thật không luống dối”.

Hỏi: Cái gọi là phàm thánh, cái gọi là thành Phật và chưa thành Phật, phải đến bao giờ mới có chứng nghiệm phân biệt, do cá nhân trực giác hay là lúc viên tịch lưu lại nhục thân để biểu hiện?

Đáp: Khắc niệm làm thánh, theo vật thành phàm, mê là chúng sinh, giác tức là Phật. Phật không thành hoại vì không hình tướng. Nếu cầu chứng nghiệm tùy phần tự biết. Lục Tổ nói: “Thường thấy lỗi chính mình, cùng đạo tức tương đương”. Cho nên nói: “nghinh tân tiếp khách, gánh nước bửa củi, ăn cơm mặc áo, đi đại tiểu tiện, đều là đạo cả”. Khổng Tử nói: “Nhân là người”, cũng đồng với ý này. Nếu lấy lục thông (Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Như ý thông, Lậu tận thông) để chứng nghiệm thì cách đạo càng xa.

Tôi có lần gặp gỡ các bậc Dị tăng, chỉ luận về tâm tánh, chẳng hy vọng ở sự kỳ lạ của các vị ấy. còn như phàm phu chơn giác, thất thức chưa chuyển, thì không thoát khỏi căn trần. Còn nói chơn giác vẫn là vọng sinh, nhục thân biểu hiện như được xá-lợi sau khi trà-tỳ hay nhục thân bất hoại…, đó chỉ là biểu hiện sự thành tựu của tâm hạnh kiên cố chớ nào có can hệ gì đến tánh phận. Cho nên hàng ngoại đạo cũng có người lưu lại nhục thân nữa là. Từ trước, hễ là Tổ sư quyết định phải kiến tánh, nên sự biểu hiện của đãi da hôi đâu đủ gây chú ý đến mọi người. Xưa có một vị Đại đức nói với vị Phạm tăng từ không trung giáng xuống rằng:

Thần thông tôi không bằng Xà-lê
Phật pháp lại cần đến lão tăng này.

Lại có một Đại đức khám nghiệm một vị tăng, vị tăng này không đáp lời nào, rồi liền viên tịch, khi trà-tỳ được mấy mươi hạt xá-lợi. Chúng nghi ngờ không giải thích được. Đại đức nói: “Dầu ông ta có 8 hộc 4 đấu đi nữa cũng không bằng lúc ấy hạ một chuyển ngữ”. Lời nói này thật đáng suy gẫm.

Hỏi: Nhiếp tâm tịnh tu, đến lúc cảm thông, cảnh giới ấy như thế nào? Điểm cảm thông ra sao?

Đáp: Cảnh giới thiền định, một lời khó nói hết, đọc Kinh Lăng Nghiêm có thể biết đại khái, việc này mỗi người một khác vì căn khí không đồng. Thông thường là sau khi ngồi thiền được 100 ngày thì thấy huyết mạch lưu thông, vọng tưởng lần ít, lần sinh thiền duyệt, các bịnh không sinh, người chấp tướng hoặc thấy hình tướng Phật, Bồ-tát. Đến lúc đó chớ vội tự mừng, nên nhớ lại Kinh Kim Cang: “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức là thấy Như Lai” để soi rọi tâm mình, nhiếp niệm không dính mắc, các tướng cũng theo đó ẩn mất thì ma sự không khởi được. Ma cùng Phật chẳng lìa tâm này, đồng là cảnh huyễn, quyết chớ tham trước nhằm cho là Thánh chứng. Nếu cho Thánh cảnh liền lạc nẻo tà, phải nên cẩn thận!

Hỏi: Gọi là liễu triệt sinh tử, cảnh giới ấy như thế nào? Dùng chơn giác giác tri nó hay là còn có một cảnh giới nào khác?

Đáp: Khi chứng đến liễu triệt sinh tử, tự có cảnh giới của nó, như người uống nước lạnh nóng tự biết, thật khó nói dụ. Vì không thể dụ, như kiến trúc sư nói cảnh giới kiến trúc của mình, cần phải sinh viên chuyên khoa mới có thể dụ hiểu; bậc tiểu học hỏi đến khó mà đáp được. Cho nên các tác gia của tông môn gặp nhau, trợn mày chớp mắt đã dụ nhau không lời. Tại vì sao? Vì xứ tâm hành diệt, đường nói năng bặt rồi.

Hỏi: Tiếng ngộ đạo đó phải hiểu như thế nào? Cảnh giới lại ra sao?

Đáp: Đạo vốn chỉ có một, ngộ có cạn sâu. Cổ đức có câu này: “Đại ngộ 18 lần, tiểu ngộ không kể hết số”. Bây giờ người ta theo các lời câu trong kinh sách, hơi có chút hiểu, vội cho là ngộ đạo. Đó chỉ là việc của thức thần không thể can thiệp đến được. Nếu như không gặp được thiện tri thức mở lối cho sẽ trở thành “Tri giải chướng”.

Kinh Tịnh Danh nói: “Pháp lìa kiến văn giác tri”. Tri giải chướng sâu, càng thêm cuồng huệ, hý luận tranh luận, nhiễu loạn thức điền. Ngã mạn cống cao, tà kiến tăng trưởng, còn hại hơn là vô tri. Phải biết là ngộ thuộc Chứng phần, chớ không phải Kiến phần, Tướng phần. Đến như cảnh giới ấy thế nào đã đáp ở câu trên, không phiền phải lặp lại.

Trích: Cát Đằng Tập Thập Di
Dung Hy pháp sư

Chỉ Vì Chút Danh Vọng Nổi Lên Vị Quốc Sư Liền Bị Oan Gia Gá Vào Thân Báo Thù [Audio]

Chỉ Vì Chút Danh Vọng Nổi Lên Vị Quốc Sư Liền Bị Oan Gia Gá Vào Thân Báo ThùThiền sư Ngộ Đạt đời Đường, Trung Hoa, năm Hàm Thông thứ tư, đời vua Ý Tông được vua phong chức Thống giáo môn sự, tương đương quốc sư. Lúc ấy ngài mới 16 tuổi, giảng Kinh Niết bàn như mây trôi nước chảy. Một hôm ghẻ mặt người nổi lên nơi đùi trái bằng hạt châu vô cùng đau nhức, ngự y của triều đình trị không lành được. Nhớ lại thuở làm chú tiểu vá đào phục vụ một vị tăng phong hủi du phương không ghê tởm. Vị tăng ấy bảo: “Khi nào chú lâm đại nạn, đến Lũng thục, phía trên hai cây thông cổ thụ có một ngôi chùa bằng Thất bảo thầy sẽ giải nạn cho!”

Ngộ quốc sư cải trang thành dân quê đến Lũng thục, đúng như lời sư bệnh năm xưa, phía trên hai cây thông cổ thụ có ngôi chùa Thất bảo sáng ngời. Vị tăng bệnh đã lành hào quang rực sáng, tiếp đãi nồng nàn. Sau khi ăn uống tắm rửa, ngài lên chánh điện sám hối chí thành, vị tăng nầy cho biết pháp danh ngài là A Nặc Ca, đã chú nguyện nước suối, hừng đông Ngộ quốc sư xuống suối múc nước rửa ghẻ.Thì nghe văng vẳng như mục ghẻ lên tiếng nói: “Mười đời trước ông làm quan án xử oan Triệu Thố, chính là tôi, quyết đeo bám ông để trả thù. Những đời kế tiếp ông làm cao Tăng có thần Hộ pháp. Đời này vua ban ghế trầm hương ông khởi tâm tự cao, tham luyến, thần Hộ pháp xa lánh, tôi nhập vào rửa hận. Nay nhờ chú nguyện của A Nặc Ca tôn giả, oan trái giữa tôi và ông kết thúc!”

Sau khi Ngộ quốc sư rửa ghẻ bằng nước suối, nghe như sấm vang, chết giấc. Tỉnh dậy ghẻ mặt người đã lành và ngôi chùa thất bảo cũng biến mất. Sau khi viên tịch Ngộ quốc sư có để lại 3 quyển Thủy sám, kể rõ chuyện này.

Trích đoạn giới thiệu của Thích An Hải trong Ý Nghĩa Pháp Môn Tịnh Độ
Tác giả pháp âm: thiền sư Nhất Hạnh
Giọng đọc: Quang Minh & Hồng Đào