Vì Sao Có Những Người Tu Niệm Phật Nhưng Không Vãng Sanh?Có những kẻ cả đời niệm Phật nhưng chẳng thể vãng sanh, nguyên nhân nói đại lược gồm 4 điều:

1. Một là vì niệm Phật chẳng tinh thành, niệm thứ nhất vừa mới tinh thuần, niệm thứ hai bèn xen tạp. Lịch đại tổ sư đại đức đều là bậc thông Tông, thông Giáo, sau khi hiểu rõ Tịnh Độ bèn buông bỏ hết những thứ khác, chuyên tu Tịnh Độ.

Trong những trước tác của đại sư Liên Trì, tinh hoa là bộ Di Đà Sớ Sao; trước tác tối trọng yếu của đại sư Ngẫu Ích là Di Đà Yếu Giải, Ấn Quang đại sư vào tuổi già chỉ dùng một bộ kinh A Di Đà, một câu Phật hiệu, ngoài ra chẳng còn có gì khác nữa.

2. Hai là vì sanh nghi, chẳng dốc lòng tin.

Tuy tu Tịnh Độ, cũng chịu niệm Phật, nhưng chẳng thể hoàn toàn tin mình có thể vãng sanh. Chỉ cần có một điểm nghi tình, lúc lâm chung dù có phước báo, thân không bệnh khổ, trí não sáng suốt, nhưng chỉ có thể sanh về biên địa. Kẻ phước báo kém hơn, thần trí chẳng sáng suốt, nghi chướng nổi lên, liền chẳng được vãng sanh. Nếu muốn phá trừ những nghi chướng ấy, hãy nên thâm nhập, nghiên cứu kinh giáo và tìm đọc những chuyện vãng sanh thật sự.

3. Thứ ba là do chẳng có nguyện vãng sanh.

Chẳng nguyện vãng sanh là mâu thuẫn với niệm Phật, dùng việc niệm Phật để tu phước, tương lai làm một con quỷ giàu có, có kẻ còn mong sanh lên trời, hy vọng tương lai hưởng phước trời, cầu phước báo trong cõi trời, cõi người.

4. Điều thứ tư là vì chẳng thể đoạn tham ái.

Tham cầu các thứ hưởng thọ trong tam giới lục đạo, phàm phu tham ngũ dục lục trần thế gian, người cõi trời tham phước báo thanh tịnh cõi trời, người Sắc Giới, Vô Sắc Giới tham hưởng thọ Thiền Định. Có tham ắt thành chướng ngại, chẳng thể vãng sanh.

Người tu Tịnh Độ chân chánh, ma chẳng dám đến nhiễu loạn. Thứ nhất là do niệm lực, tức là như kinh này nói: “Nhớ Phật, niệm Phật”. Thứ hai là bổn nguyện có Phật tánh lực, điều được niệm là tự tánh Phật, thanh tịnh bình đẳng đại từ bi là Phật. Thứ ba là được bổn nguyện của chư Phật gia trì. Với sức bổn nguyện oai thần gia trì của mười phương ba đời hết thảy Như Lai, ma dù có sức cũng chẳng thể đến nhiễu loạn.

Lão pháp sư Tịnh Không

================== o0o ======================

Dựa trên lý mà nói pháp môn Tịnh Độ là nhờ Phật lực của Phật A Di Đà cứu giúp, thì bảo đảm vãng sanh một trăm phần trăm, nhưng vì sao thấy người niệm Phật hiện nay rất nhiều, nhưng người chân thật có thể vãng sanh thì lại rất là ít vậy?

Đây là một vấn đề rất quan trọng , mỗi một người niệm Phật phải nghiêm túc đối với việc này, nhất định không được xem thường!

Ngày nay chúng ta niệm Phật không cách gì vãng sanh, then chốt là ở “ không có Tín Nguyện, hoài nghi bất an, sợ chết, vốn không cầu vãng sanh”. Người niệm Phật ngày nay niệm Phật, chỉ là cầu bảo hộ, cầu tiền của, cầu công danh, cầu bình an, cầu thuận lợi, cầu tiêu tai, cầu khỏi nạn, cầu trị bệnh, cầu sống lâu, cầu tất cả lợi ích của thế gian, nhưng tuyệt đối lại không cầu vãng sanh Tây Phương!

Pháp môn niệm Phật tệ hại đến nước này như ngày nay, thì mỗi một đồng tu niệm Phật chúng ta phải nên thống thiết mà phản tỉnh, hổ thẹn mà sám hối. Chúng ta phụ rẫy sự chờ đợi nhớ mong của Phật A Di Đà đã nhiều kiếp! Cũng đã phụ lòng Thích Ca Mâu Ni Phật khẩn thiết dặn dò hết lời khuyên bảo! Càng phụ lòng bi tâm kỳ vọng, khuyến tấn tán dương, chứng minh khen ngợi của mười phương tất cả chư Phật! Nghĩ đến chổ này, mỗi một người niệm Phật phải nên thống thiết mà rơi lệ, không chỗ dung thân!

Mỗi một vị dạy bảo người niệm Phật, cũng phải nên phản tỉnh: tại vì sao đem đại pháp Di Đà nương vào Phật lực, nhất định an tâm, tín nguyện niệm Phật, quyết định vãng sanh thành Phật, thì dạy thành dựa vào tự lực, hoài nghi bất an, không được nhất tâm, không cách gì vãng sanh ?

Mỗi một người học tập pháp môn niệm Phật cũng phải nên phản tỉnh: tại vì sao Tịnh Độ diệu pháp đầy đủ Tín Nguyện, nương vào Phật lực, quyết định vãng sanh, không sợ chết, thích được chết, muốn được đi sớm một chút, thì học thành hư tâm giả nguyện, hoài nghi tự ti, không dám gánh vác tiếp nhận, sợ chết, lo lắng phải chết, trong lòng không hề muốn được đi sớm một chút?

Ngay trong một ngàn người niệm Phật thì có hơn chín trăm chín mươi chín người giả niệm Phật , đây chính là chân tướng vì sao niệm Phật không thể vãng sanh. Thường ngày chúng ta niệm Phật, tâm miệng không đồng nhau, giả tín hư nguyện, trong tâm luôn quyến luyến vướng bận, tuyệt đối chẳng phải vì việc lớn sanh tử, mà chỉ là tất cả lợi ích thế gian; khi vừa đến cửa ải sanh tử, thì nhìn không thấu, buông bỏ không được, lo lắng đầu này, dính mắc đầu kia, nhưng tuyệt nhiên không cầu chết, tuyệt đối không hề cầu chết sớm một chút, để sớm ngày vãng sanh.

Cho nên, tuyệt đại đa số người niệm Phật đem của báo giá trị liên thành, chỉ để đổi thành một cục đường. Do đó niệm Phật chỉ thành phước báo trời người, tạo thành oan nghiệp cho đời thứ ba, mãi mãi ở trong luân hồi, chịu khổ không cùng.

Thiện Đạo Đại Sư Ngữ Lục
Cẩn Dịch : Vọng Tây Cư Sĩ