Nơi Tâm Tịnh Thì Cõi Phật Tịnh Cần Gì Phải Niệm Phật Cầu Sanh Tịnh Độ?Lúc bấy giờ, Tịnh Pháp Bồ Tát lại bạch cùng đức Phật:

– Khi trước đức Như Lai thuyết pháp dạy các chúng sanh chỉ cần tịnh tâm mình, nếu ai tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Lại nói: “Hết thảy chúng sanh niệm danh hiệu A Di Ðà Phật quyết định sanh Tịnh Ðộ”. Nếu như tâm tịnh cõi Phật sẽ tịnh thì tịnh tâm lập địa thành Phật, cần gì phải niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ? Nếu để tịnh cõi nước cần phải niệm Phật thì sao Như Lai lại bảo: “Hết thảy tâm tịnh thì cõi Phật tịnh?” Xin giảng về hai pháp môn này để người học Thiền Na và chúng sanh niệm Phật không còn khởi lên nghi hoặc, gièm báng lẫn nhau, trở ngại nẻo tu hành.

Phật dạy:

– Này thiện nam tử! Khi xưa, lúc Như Lai thuyết pháp từng đã nói hai thứ phương tiện như thế, nhưng chúng sanh kia chẳng hiểu ý nghĩa niệm Phật Như Lai đã nói, cũng chẳng thông đạt ý chỉ “tâm tịnh thời Phật độ tịnh” của Như Lai đã giảng, chỉ chấp trước văn tự, cho rằng: Niệm Phật chỉ là khẩu niệm, chẳng biết niệm bằng tâm niệm. Niệm niệm chẳng tạp, niệm niệm chẳng đoạn, niệm niệm là Phật. Phật ở trong tâm ông, tâm ông làm Phật, ngay nơi sắc thân của chính mình thành tựu huệ thân. Tu Tịnh Ðộ cũng phải nên như thế.

Nay chúng sanh điên đảo, miệng tuy niệm Phật, tâm chẳng khế hợp với Phật, mình cùng Phật sai khác thì Tịnh Ðộ càng xa. Còn như Duy Tâm Tịnh Ðộ vốn là để dạy các chúng sanh tu tập Thiền Ðịnh nhất tâm bất loạn. Buông bỏ hết thảy lợi dục trần lao, phiền não vọng tưởng, một tấc linh đài rỗng rang, thông suốt, thầm thầm, lặng lặng, trạm tịch vô vật. Ðó gọi là “tịnh tâm”. Do tâm thanh tịnh nên đạo tràng của đức Phật chơn thật sẵn có của ta chẳng nhiễm, chẳng uế. Như nay chúng sanh tu tập Thiền Ðịnh, vọng tưởng Nhân, Ngã rối bời trong tâm, hợm mình, khinh người, thích a dua, xu lợi, cậy mình thế cả, giàu to, thích kết giao người quyền quý. Cái niệm ban đầu của việc tọa thiền chẳng biết, chẳng hay, sa vào lưới tục, dù cho có những khổ hạnh từ trước cũng đều thành căn nguyên phú quý. Tâm đã chẳng tịnh, làm sao tịnh cõi Phật được? Vì thế, trước kia, Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật tức là chẳng phải là trang nghiêm.

Này thiện nam tử! Nếu kẻ nào tu tập Thiền Ðịnh mà thật sự có thể nhập Phật tri kiến, duy tâm Tịnh Ðộ thì Phật biết là người ấy quyết định thành Phật. Người niệm Phật kia duy tâm niệm Phật quyết định sanh về Tịnh Ðộ. Còn nếu cả hai điều ấy đều chẳng đạt được thì đường Bồ Ðề xa vời, tự mất công đức, chớ báng Như Lai!

Nhận định:

Dùng kinh này để chứng minh thì Thiền lẫn Tịnh đều thuộc Duy Tâm, đều là phương tiện nhập môn, nhưng niệm danh hiệu Phật thật là phương tiện tối thắng trong các phương tiện, so ra thật khế cơ. Xin hãy thâm nhập một môn, chẳng cần phải song tu, thật chẳng thể gièm báng lẫn nhau.

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích dẫn Thiền Tông Bí Mật kinh

Đời Tống, Tư sĩ Vương Trọng Hồi làm quan đến chức Tư sĩ Tham quân ở Quang Châu. Một hôm, ông hỏi Vô Vi Tử Dương Kiệt: Vì sao trong kinh dạy người cầu sinh Tịnh độ, nhưng Tổ sư lại dạy tâm là Tịnh độ, không nhất định phải cầu?

Dương Kiệt đáp: “Ông thử tự suy nghĩ, nếu ở cõi Phật thì không có tịnh, không có uế, cần gì phải cầu sinh? Còn ngược lại, nếu chưa thoát khỏi cảnh chúng sinh, đâu thể không chí tâm niệm Phật để xa lìa cõi uế mà cầu sinh về cõi tịnh!” Tư Sĩ vỡ lẽ vui vẻ cáo từ.

Hai năm sau, lúc Dương Kiệt làm Thái thú ở quận Đan Dương, bỗng một hôm, ông nằm mộng thấy Tư sĩ Vương Trọng Hồi nói: “Trước kia nhờ ông chỉ bảo, nên tôi đã được vãng sinh, hôm nay đặc biệt đến tạ ơn ông”. Vài ngày sau có tin báo tang đến, nội dung nói: “Tư sĩ Vương Trọng Hồi biết trước bảy ngày nữa sẽ mạng chung nên ông từ biệt bà con họ hàng rồi qua đời”. Quả thật, đúng như những gì Dương Kiệt mộng thấy!

Trích Vãng Sanh Tập