Niệm Phật Khi Gặp Hoạn Nạn Hay Lúc Lâm Chung Sẽ Có Cảm Ứng Lạ KỳTrong khi hoạn nạn mà phát tâm niệm Phật ắt sẽ có linh ứng lạ lùng. Tuy khắp nơi giặc giã, cả làng tật dịch mà cầu Phật gia hộ cho thì một người niệm, một người an, trăm người niệm, trăm người an. Không phải là Phật có lòng riêng tư, lúc nào ngài cũng ở trong ánh sáng bình đẳng, vô tâm ứng hiện. Vì cớ sao? Vì động niệm ra tiếng thì cảm được quang minh của Phật chiếu trên đỉnh đầu mình, tự nhiên niệm niệm đầy đủ, niệm niệm bền chắc, niệm niệm dài lâu, được quang minh của Phật gia bị, thiện thần ủng hộ, tự có thể lìa nạn. Chớ nên thay đổi niệm.

Lúc lâm chung nếu có thể niệm lớn thì niệm lớn tiếng, chỉ có thể niệm nhỏ tiếng thì niệm nhỏ tiếng. Hoặc nếu như niệm lớn, niệm nhỏ cũng đều chẳng nổi thì hãy đem bốn chữ [Phật hiệu] thầm nhớ trong lòng, chớ để quên mất. Người hầu hạ chung quanh nên luôn luôn dùng bốn chữ ấy để nhắc nhở, cảnh tỉnh. Phải biết là trăm kiếp, ngàn đời ta bị lạc lối toàn là do lúc ấy chẳng giữ được một niệm phân minh. Vì sao vậy? Luân hồi sáu nẻo đều là do một niệm làm chủ. Nếu một niệm chuyên chú nơi Phật thì dù thân xác tan hoại, thần thức vẫn chẳng tán loạn, liền nương theo một niệm mà vãng sanh Tịnh Ðộ vậy!

Than ôi! Chỉ cốt phải nhớ bốn chữ A Di Ðà Phật đừng quên!

  • Nhận định:

Miệng niệm tai nghe, tâm niệm tâm nghe, thần thức niệm thần thức nghe chính là bí quyết niệm Phật gồm mười hai chữ của Ðại Sư.

Xin hãy thực hành tai nghe từ miệng niệm sao cho rành rẽ phân minh, chẳng tán loạn, chẳng hôn trầm thì đó là cảnh giới bất loạn. Tạm đạt được mức chí tâm niệm và nghe thì là đã thâu nhiếp sáu căn. Còn nếu đạt đến mức thần thức niệm thần thức nghe thì chẳng phải là Tịch đến cùng tột, Chiếu đến cùng tột hay sao?

Chỉ niệm bốn chữ vì dễ thành một phiến; nhưng ở chỗ bẩn thỉu và lúc đại tiểu tiện thì chỉ nên niệm thầm hoặc tâm niệm. Niệm ra tiếng là chẳng cung kính. Lúc đàn bà sanh nở nên niệm rõ ra tiếng vì niệm thầm thì do tâm lực ít nên cảm ứng cũng nhỏ, hoặc đến nỗi do nín hơi nên mắc bịnh vậy!

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu sách Bốn Mươi Tám Pháp Niệm Phật của đại sư Diệu Không đời Thanh