Trợ Niệm Vãng Sanh

Trợ Niệm Vãng SanhTrợ niệm vãng sinh bao gồm những nghi thức nhằm nhắc nhở, khuyến-khích hay thúc-dục một người ốm nặng, hấp-hối hay mới chết cùng với chúng ta niệm Phật, cầu sinh Cực-Lạc.

Nghi-thức này rất quan-trọng đối với những người tu môn Tịnh-Độ. Tại sao? Vì các tín-hữu tu môn Tịnh-Độ đều tin rằng có cõi Cực-Lạc của Phật A-Di-Đà ở phương Tây và tất cả chúng ta, dầu có tội hay không tội, cũng đều có thể được sinh về đó, nếu chúng ta luôn nhớ đến Phật và mong Ngài tới đón về nước của Ngài vào lúc lâm-chung. Tiếc rằng chúng ta vốn có thói-quen chạy theo ngọai-cảnh và vọng-tưởng, rồi quên mất Phật, nên mới cần có người nhắc-nhở, khuyến-khích hay thúc-dục.

Lại nữa, nhớ đến Phật và mong Ngài tới đón thuộc về tình-cảm, không thể gượng-ép. Do đó, nếu không sẵn có cái tình-cảm quý-báu này, thì phải tập niệm danh-hiệu Phật và phát-nguyện vãng-sinh. Văn phát-nguyện rất nhiều, chúng ta nên chọn một bài thật vừa ý mà đọc. Rồi, nhờ niệm danh-hiệu Phật, chúng ta sẽ nhớ đến Phật. Nhờ phát-nguyện vãng-sinh, chúng ta sẽ mong được Phật đón, vào lúc lâm-chung!

Nếu công-phu tu-tập hoàn-tất, chúng ta sẽ biết trước ngày chết. Ngược lại, nếu chưa biết ngày giờ chết, mà đã lâm trọng bệnh, hay lên cơn hấp-hối thì phải chuyên-tâm niệm Phật và nhờ người trợ-niệm cho đến khi thấy được đức Phật, bồ-tát hay hoa sen hiện đến tiếp-dẫn.

Còn nếu chưa thấy điềm lành ấy, mà đã tắt thở, thì phải cố tự-niệm và nhờ người trợ-niệm cho được 10 câu Phật-hiệu trong quá-trình thần-thức rời khỏi thể-xác.

Rủi thần-thức đã rời thể-xác và có thân trung-ấm rồi, thì phải gấp rút nương theo sức trợ-niệm của bà-con hay bạn-bè mà xướng tên Phật cầu sinh Cực-Lạc, nội trong hai tuần đầu. Nếu còn lần-lữa e sẽ lỡ việc!

Nói một cách khác, người niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc là người chuẩn-bị để thi thành Thánh, hay rõ ràng hơn là thành bồ-tát bất-thoái ở trên Cực-Lạc. Thi thành Thánh có ba kỳ: Kỳ một kết-thúc trước khi tắt thở. Kỳ hai bắt đầu từ lúc tắt thở đến khi thần-thức vừa mới ra khỏi thể-xác và chưa có thân trung-ấm. Kỳ ba kéo dài hai tuần, kể từ lúc có thân trung-ấm. Trên thực-tế, chúng ta không xác-định được cái ngày mà người chết vào trung-giới và có thân trung-ấm, nên câu “2 tuần, kể từ lúc có thân trung-ấm” thường được hiểu là “2 tuần, kể từ lúc tắt thở.”

Đậu kỳ một gồm những người biết trước ngày chết, hoặc những người thấy được điềm lành trước khi tắt thở. Sao gọi là thấy được đìềm lành? Thấy được điềm lành là thấy đức Phật, bồ-tát hay hoa sen hiện đến tiếp-dẫn.

Đậu kỳ hai gồm những người niệm được 10 câu Phật-hiệu trong giai-đoạn lâm-chung.

Đậu kỳ ba gồm những vong-linh phát tâm niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc trong khoảng thời-gian dài 2 tuần, kể từ khi có thân trung-ấm, hay thực-tế hơn, là kể từ khi tắt thở.

Vậy, mục-đích tu-học của tín-đồ Tịnh-Độ là phải đậu thành Thánh ở một trong ba kỳ thi đó.

Những người biết trước ngày chết, có thể chuẩn-bị niệm Phật và chờ Ngài đến đón mt cách dễ-dàng và chính-xác. Do đó, không cần trợ-niệm. Tuy-nhiên, nếu được trợ-niệm thì vẫn tốt hơn.

Những người không biết ngày chết, thường quen chạy theo ngoại-cảnh hoặc suy-nghĩ viển-vông mà quên mất Phật. Do đó, chúng ta cần phải sốt-sắng nhắc-nhở, khuyến-khích hoặc thúc-dục họ cùng với chúng ta niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc!

Nhắc-nhở, khuyến-khích hoặc thúc-dục một người ốm nặng, hấp-hối hay mới chết cùng với chúng ta niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc, gọi là trợ-niệm vãng-sinh. Việc làm này hết sức quan-trọng. Cho nên, chúng ta cần phải chuẩn-bị kỹ-lưỡng về cả hai phương-diện tâm-lý và nhân-sự.

Về phương-diện tâm-lý, chúng ta phải giảng-giải cho người thân của chúng ta rằng họ nên niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc. Đặc-biệt là lúc thần lià khỏi xác, nếu họ có thể niệm được mười câu “Nam-mô A-Di-Đà Phật,” thì chắc-chắn sẽ được sinh về xứ Phật.

Về phương-diện nhân-sự, chúng ta nên mời bà con, bạn-bè và nhất là các bậc thiện-tri-thức đến trợ-niệm. Thiện-tri-thức là gì? Thiện là tốt lành. Tri là hiểu Đạo. Thức là biết người sắp chết hay mới chết. Thiện tri-thức trong trường-hợp này là những tín-hữu tin-nhận pháp-môn Tịnh-Độ, quen-biết người sắp chết hay mới chết, lại có lòng tốt chịu đến tận nơi nhắc-nhở, khuyến-khích và thúc-dục người ấy cùng với mình niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc, trong những tuần-lễ trước và sau khi đương-sự tắt thở.

Chuẩn-bị tâm-lý và nhân-sự xong, chúng ta phải học kỹ-thuật trợ-niệm. Kỹ-thuật này gồm hai phần chính: Một là nhắc-nhở người sắp chết hay mới chết phải lo niệm Phật. Hai là phải niệm danh-hiệu Phật A-Di-Đà để họ bắt-chứơc làm theo.

Nếu người cần trợ-niệm chưa tắt thở, chúng ta nên nhắc-nhở, như sau: “Này đạo-hữu (Pháp-danh)! Người đang bị bệnh, nhưng chớ lo! Hãy chuyên-tâm niệm danh-hiệu Phật A-Di-Đà. Nếu số người chưa tận, thì sẽ sớm được bình-phục. Còn như đã đến lúc phải ra đi, thì sẽ được Phật đón về Cực-Lạc!” Tiếp theo, là phải niệm: Nam-mô A-Di-Đà Phật, cho đến khi mỏi-mệt, thì mở máy niệm Phật để thay-thế. Cố giữ cho tiếng niệm ấy liên-tục, không dứt, trong suốt thời-gian cần được trợ-niệm.

Nếu người cần trợ-niệm đã tắt thở, chúng ta nên nhắc-nhở, như sau: “Này đạo-hữu (Pháp-danh)! Người đã chết thật rồi! Không nên nhớ, nghĩ vẩn-vơ nữa. Hãy cùng chúng tôi niệm Phật, chờ Ngài tới đón.” Tiếp theo, lại niệm: Nam-mô A-Di-Đà Phật, như trên.

Với những người chết ở Việt-Nam, chúng ta có thể trợ-niệm trước khi chết và khi họ tắt thở, chúng ta có thể giữ xác họ ở nhà hoặc đưa vào Vãng-Sinh-Đường để tiếp-tục trợ-niệm. Nhưng ở các nước Âu-Mỹ, phần lớn thân-nhân của chúng ta đều chết tại bệnh-viện, hai người một phòng, nên việc trợ-niệm trước khi chết rất là khó-khăn. Rồi khi họ tắt thở, thì thường không có bà con bên cạnh. Tiếp đến thân-hình của họ bị đẩy vào nhà xác để chờ tẩm-niệm.

Nếu rủi bị chết vào ngày chủ-nhật, thì chúng ta thường đợi đến cuối tuần, mới đưa ra nhà quàn để quí thầy, bà con cùng bạn-bè trợ-niệm và viếng thăm lần cuối, trước khi chôn hoặc thiêu. Nói như vậy, có nghiã là có 6 ngày, kể từ khi người thân của chúng ta tắt thở, chúng ta không thể trợ-niệm cho họ. Mặc dầu đấy là những ngày tốt nhất để nhắc họ niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc!

Để tránh trở-ngại này, chúng ta nên điều-đình với nhà-thương, xin họ cho chúng ta giữ lại xác chết 8 giờ để trợ-niệm và đồng thời tiến-hành thủ-tục đưa ra nhà quàn trợ-niêm càng sớm càng tốt.

Rồi khi đã chôn hoặc thiêu xác ấy, chúng ta nên đưa vong-linh lên chùa để cầu siêu và lập bàn thờ ở nhà để tiếp-tục trợ-niệm cho đến hết ngày thứ 14, kể từ khi người thân của chúng ta tắt thở.

Qua ngày 15, chúng ta không trợ-niệm nữa, mà chỉ cầu siêu thôi! Cầu siêu là gì? Cầu siêu là cùng nhau bố-thí, cúng-dường, đọc kinh, niệm Phật hoặc trì chú, rồi hồi-hướng công-đức xin cho vong-linh sớm bỏ mê-đồ, sinh về Lạc-quốc.

Tóm lại, với người tu Tịnh-Độ, thời-gian quan-trọng nhất là vài tuần trước khi tắt thở và hai tuần sau khi tắt thở. Tuy nói, vài tuần trước khi tắt thở và hai tuần sau khi tắt thở, nhưng tốt nhất là lúc lâm-chung.

Lâm-chung là lúc thần-thức rời khỏi thể-xác. Không ai biết được thời-điểm mà thần-thức của chúng ta rời khỏi thể-xác, ngoại trừ chính chúng ta và những bậc có thiên-nhãn-thông!

Theo những người có kinh-nghiệm xuất thần, việc thần-thức rời bỏ thể-xác được tiến-hành vào lúc chúng ta rơi vào bóng tối cận-tử và có cảm-giác như đang bay rất nhanh trong một hầm tối với tiếng gió rít bên tai. Việc này được hoàn-tất khi tiếng gió ngưng-bặt và bóng tối tan đi. Bấy giờ, giống như con rắn vừa lột xác, thần-thức có thể quán-sát cái thân mà nó đã bỏ lại để ra đi…

Từ lúc rơi vào bóng tối cận-tử và nghe tiếng gió rít cho đến khi thần-thức ra khỏi thể-xác, người chết hết sức tỉnh-táo và tự-do để nghe chúng ta góp ý. Do đó, khoảng thời-gian này rất tốt để trợ-niệm và thường nằm gọn trong 8 giờ, tính từ khi người thân của chúng ta tắt thở!

Nếu bỏ lỡ dịp này, chúng ta sẽ còn thêm một cơ-hội nữa, là hai tuần kế-tiếp.

Sang tuần thứ ba, chúng ta nên ngưng trợ-niệm để lo cầu siêu. Tại sao? Vì bắt đầu từ lúc đó, sức nghiệp trở mạnh, lôi kéo vong-linh, khiến nó mê-mụi chỉ muốn trở lại luân-hồi! Đây chính là lý-do, khiến chúng ta phải lo trồng công-đức, rồi hồi-hướng xin cho vong-linh sớm bỏ mê-đồ, sinh về Lạc-quốc.

Montréal, ngày 13-03-05
Hiển-Mật

Con Cháu Trợ Niệm Cụ Hạnh Thảo Vãng Sanh Phật A Di Đà Phóng Quang Tiếp Dẫn

Con Cháu Trợ Niệm Cụ Hạnh Thảo Vãng Sanh Phật A Di Đà Phóng Quang Tiếp DẫnĐây là một trong các chuyện mà chúng tôi thích nhất, dù rằng người chết không phải là một Cao Tăng, không lưu lại Xá lợi quý báu. Bởi sao?

Vì cụ vừa mới quy y và niệm Phật trong một thời gian. Chuyện này khiến chúng tôi thích, vì động cơ được vãng sanh là con cháu trợ niệm mà thành tựu.

Có nghĩa là từ đây về sau, bất cứ ai thực hành giống như con cháu của cụ Hạnh Thảo, thì những vị ấy đều được vãng sanh. Chữ: “thực hành giống” mà chúng tôi nói là phải thực sự chí tâm, chí thành; phải tích cực trợ niệm không ngừng; phải tha thiết không lùi bước trước một trở lực nào, phải chịu đựng kiên gang không mệt mỏi.

Quay lại khúc phim

Cách đây gần 1 năm, một liên hữu gọi điện cho chúng tôi, nói:

– Bác Tịnh Hải, con là Ái Thu đây, nhờ đọc các sách của Bác, con và mẹ con áp dụng trợ niệm cho bà ngoại con. Bây giờ bà ngoại con đã được vãng sanh.

-Vậy hả? Mừng cho con. Nhưng làm cách nào con biết bà ngoại con đã được vãng sanh?

-Dạ có những hiện tượng đúng như sách nói.

Chúng tôi hỏi tiếp:

-Con đọc sách nào? Bài nào?

– Con đọc sách Những chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi, bài nói về trường hợp vãng sanh của Ký giả Trọng Viễn và sách Niệm Phật Cách Nào Vãng Sanh, bài của cô Diệu Liên ở Canada viết.

Bên kia đầu dây liên hữu Ái Thu nói:

-Con sẽ ghi hết tất cả sự việc cho bác, nếu bác thấy được thì bác đăng vào sách, để giúp cho bà con chúng ta.

Chúng tôi bảo:

– Điều nầy rất cần lắm. Nhưng con hãy kể cho bác nghe trước. Vì muốn cho mọi người tin, chúng ta cần có dữ liệu chính xác, đầy đủ bằng chứng. Vậy cháu hãy kể tỉ mỉ cho bác nghe.

Nghe xong chúng tôi liền bảo Ái Thu:

– Điều con nói bác tin được, nhưng con phải làm cho bác hai việc. Một, cậu con phải viết cho bác một cái thư để thấy rõ điều con nói hoàn toàn đúng. Hai,vị Sư Thầy của con ở Việt Nam cũng xác nhận sự việc xảy ra đúng như con nói. Ngoài ra, con gửi cho bác mọi hình ảnh cần thiết. Cháu Ái Thu thuận theo đòi hỏi của chúng tôi.Và hơn nữa năm sau, chúng tôi nhận đủ tài liệu.

Chẳng phải chúng tôi chẳng tin lời nói của cháu Ái Thu, chúng tôi tin tưởng mọi liên hữu cung cấp tài liệu cho chúng tôi. Quan điểm của chúng tôi, theo lời Phật dạy: “Tất cả các pháp đều do tâm tưởng”. Khi tâm ta tưởng điều gì, đó là Nghiệp. Nếu trước một vấn đề liên quan Phật pháp, người cung cấp cho chúng tôi đều bịa ra, giả dối,thì chính người đó đã tự tạo nghiệp địa ngục rồi.Chúng tôi không có tâm lừa gạt ai, chúng tôi đăng lại, chúng tôi chẳng có điều gì đáng trách bởi thành ý và thiện tâm của chúng tôi.

Cũng như khi chúng tôi viết sách, chúng tôi không hề có cái tâm đả phá ai hết hay tự khen mình. Nếu chúng tôi có ác tâm đả phá người khác, đó là chúng tôi đã tự tạo nghiệp.Vì khi chúng tôi khởi niệm là tạo nghiệp rồi. Nhiều người cứ tưởng mình cứ giải thích Phật pháp theo ý mình, thì mình vô tội. Nhưng không ngờ rằng mình vừa khởi lên ý nghĩ là đã phạm tội phỉ báng Phật pháp.

Trở lại chuyện kể của cháu Ái Thu.Chúng tôi biết cháu không có cái tâm khoe khoang, cháu muốn đem chuyện vãng sanh của bà ngoại cháu, khuyến tấn người khác thực hiện như mẹ cháu và cháu.

Tuy nhiên, với sự cẩn thận do thói quen, chúng tôi muốn cháu Ái Thu chân thành cúng dường cho tất cả các liên hữu về trường hợp vãng sanh của bà ngoại cháu. Bởi khi mọi người tin cháu, thực hành đúng như mẹ con cháu thì từ đây thế gian sẽ có vô số vị được thoát khỏi lục đạo luân hồi và vãng sanh Cực Lạc.

Tại sao chúng tôi khuyến khích
Trợ niệm lúc lâm chung?

Trước khi đi sâu vào chuyện kể của cháu Ái Thu, chúng tôi muốn nói với chư vị, tại sao từ hơn hai năm qua chúng tôi không ngừng kêu gọi sự trợ niệm lúc lâm chung. Chúng tôi là người tuyệt đối trung thành vào Kinh Phật và lời Phật dạy.

Người ta đọc Kinh, đọc phớt qua rồi thôi, còn chúng tôi đọc Kinh Phật, với cái tâm mổ xẻ từng câu, từng đoạn để tìm chứng nghiệm. Nếu điều Phật nói, đem ra thực hành có kết quả, thì theo, tán tụng và khuyến khích mọi người nên áp dụng.

Chúng ta đều hiểu, trong thời này con người làm các nhiều hơn thiện. Muốn thoát khỏi tam giới, không còn phải bị luân hồi lưu chuyển trong 6 đường, khó ai có thể làm nổi. Khi nghiên cứu Phật pháp, chúng tôi đọc nhiều Kinh sách Phật, một hôm đọc Kinh Quán Vô Lượng Thọ, chúng tôi thấy có câu:

“Hoặc có chúng sanh gây nghiệp bất thiện: Năm tội đại nghịch, mười điều ác độc. Kẻ ngu như thế, do nghiệp nên đáng đọa vào đường dữ, trải qua nhiều kiếp, chịu khổ vô cùng. Kẻ ngu si này lúc sắp lâm chung, may mắn được gặp bậc tri thức an ủi đủ điều, nói những phép mầu và dạy tưởng Phật, người nọ quằn quại tưởng niệm không nổi. Tri thức lại bảo : nếu người không thể tưởng niệm Phật kia, thì nên xưng danh Phật Vô Lượng Thọ. Người nọ hết lòng niệm chẳng dứt tiếng để đủ mười niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Lời Kinh quá rõ ràng, cho nên bất cứ ai thực hành đúng, thân nhân họ sẽ được lợi lạc. Không cần phải hiểu nhiều về Phật pháp.Và tiếp theo là lá thư của sư Giác Dõng mà chúng tôi yêu cầu cháu Ái Thu phải gởi cho chúng tôi.

THƯ CỦA TỲ KHEO THÍCH GIÁC DÕNG

“Trước hết tôi tự giới thiệu tôi là Tỳ Khưu Thích Giác Dõng, hiện trụ trì Tịnh Xá Phước An, thôn Vĩnh Phú, xã Cát Thắng, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định, Việt Nam.

Chú Tịnh Hải kính! Hôm trước cháu Thu có điện thoại về cho tôi biết là cháu Thu đã gặp chú ,để trao đổi và trình bày về câu chuyện cụ bà Huỳnh Thị Ngọc Sương, pháp danh Hạnh Thảo, trước và sau khi bà ra đi có những điều lạ khác thường, đó là nhờ công đức niệm Phật, nên chiêu cảm đến lòng từ bi, diệu hạnh, thần lực của Đức Phật A Di Đà. Những tướng trạng ấy tin rằng, quyết định bà cụ đã được vãng sanh Cực Lạc.

Hơn nữa, cháu Thu cũng cho biết, ý kiến của chú là cụ bà đã được vãng sanh, là nhờ nhiều duyên hiệp lại, trong đó đã có nhân duyên nên liên quan đến tôi.

Khi bà cụ hấp hối sắp ra đi, thì cháu Thu điện thoại về nhờ chư Tăng ở đây, hiệp tâm cầu nguyện cho bà .

Lúc ấy, các con, các cháu của tôi đứng chung quanh đồng thanh niệm Phật, và chư Tăng ở đây, lúc ấy cùng đồng tâm niệm Phật cho bà. Khi bà ra đi được Đức Phật A Di Đà hiện đến phòng hào quang sáng chói, màu vàng rực rỡ đến tiếp dẫn. Lúc ấy người ở trong phòng, ai ai cũng đếu thấy ánh hào quang sáng rực cả phòng. Bà cụ đã ra đi, sau đó là có những điều kỳ diệu nữa là mặt của bà, đối tượng giống như đàn ông, má lại hồng hào, khí sắc tươi nhận, rồi lại hai trái tai từ từ dài thêm ra. Lại có một điều đặc biệt nữa là, nóng trên đỉnh đầu, suốt 35 tiếng đồng hồ mà trên đỉnh đầu vẫn còn nóng .

Bà cụ Huỳnh Thị Ngọc Sương, khi ra đi và sau đó có những hiện tượng phi phàm, điều này phải ghi đậm để tán dương công đức của pháp môn niệm Phật. Vì bà cụ đã được vãng sanh, đã để lại những chứng tích, để lấy đó làm phương châm, để đi sâu vào niềm tin của công đức niệm Phật.

Chú Tịnh Hải kính, sau đó tôi góp ý với cháu Thu và gia đình nên tìm cách gặp chú Tịnh Hải để trao đổi và trình bày qua câu chuyện của bà cụ đã được vãng sanh cho chú Tịnh Hải nghe, để chú Tịnh Hải kết tập lại câu chuyện này cho lưu hành, phổ biến cho mọi người được biết.

Ở đây tôi nhận được cuốn niệm phật Vãng Sanh Xá Lợi của chú kết tập và Kinh Niệm Phật Ba La Mật sưu giải của chú. Khi tôi nhận được mấy cuốn này, tôi vô cùng hoan hỷ công đức của chú.

Tuy chú hiện tại là người Cư sĩ, còn nói về việc làm của chú đã góp vào một phần công đức rất lớn của hạnh hộ trì và hoằng dương chánh pháp. Việc làm của chú, chính đó là nhân hạnh Bồ Tát tương lai, lời nói của tôi như trên, không phải nói ra để cho được bụng của chú, mà nói đó đúng theo lời Phật dạy.”

Nhờ xưng danh Phật Pháp nên trong mỗi niệm trừ tội sanh tử tám mươi ức kiếp, khi vừa tắt hơi thấy hoa sen vàng như vừng mặt trời ở trước người ấy, trong phút chốc liền vãng sanh Thế Giới Cực Lạc.

Đây là phẩm thấp nhất gọi là Hạ Phẩm Hạ Sanh. Chúng tôi tin tưởng kinh Phật nói sẽ không bao giờ sai. Và chúng tôi áp dụng cho em trai chúng tôi khi đang hấp hối. Mặc dù em của tôi không phải là kẻ không tin Phật và làm ác. Nhưng chúng tôi lấy tiêu chuẩn thấp nhất để áp dụng và mong độ thoát cho em chúng tôi về Cực Lạc. Kết quả khiến chúng tôi lạc quan và tin tưởng mãnh liệt. Và trước mắt chúng tôi thấy rõ, ngoài việc chỉ rõ cho mọi người niệm Phật đúng cách,còn có cách thứ hai là tiếp trợ cho người lâm chung. Chỉ có hai cách này, mới thực sự độ được chúng sanh ở thời mạt pháp này.

Một năm sau, chúng tôi may mắn được nghe băng giảng của Hòa Thượng Tịnh Không. Cũng nghe thấy Ngài nói, Ngài tin theo Pháp môn Niệm Phật khi biết rằng một người chết sắp đọa địa ngục, Phật A Di Đà cũng khiến cho người ấy được thoát luân hồi.Hòa Thượng Tịnh Không đang gây phong trào tu niệm Phật khắp thế giới.

Tất cả người Việt Nam chúng tôi, xuất gia lẫn tại gia, đều thật sự thương chúng sanh đều nên tiếp tay phát động cao trào Niệm Phật, trừ những ai cố chấp với lòng dạ ích kỷ nhỏ nhen, những người này không xứng đáng là con của Phật.

Tại sao?

Theo lời Kinh vừa nói, nếu chúng sanh niệm Phật, mỗi một niềm trừ được 80 ức kiếp sanh tự trọng tội,tại sao lại ngăn cản? Đáng lý nên khuyên bảo, khuyến khích mọi chúng sanh đều nên niệm Phật, để khi họ chết khỏi luân hồi đau khổ mới là thương chúng sanh thật sự.

Như trường hợp cháu Ái Thu,cháu can đảm đem chuyện trợ niệm của mẹ con cháu nói ra để mọi người đều theo đó học lấy kinh nghiệm, hầu giúp đỡ thân nhân họ thoát khỏi luân hồi. Đó mới thật sự thương chúng sanh.

Vắn tắt kể mọi sự tình

Bà ngoại của Ái Thu tên là Nguyễn Thị Ngọc Sương, pháp danh hạnh Thảo,thọ 88 tuổi, mất ngày 13/10/2002.Cụ mới quy y Tam bảo cách nay 2 năm, sau khi một người con trai qua đời.

Má của Ái thu biết Phật pháp và tin vào pháp môn niệm Phật nên sau khi cụ Hạnh Thảo quy y thì được bà hướng dẫn niệm Phật. Gia đình Ái Thu thỉnh băng Hoa Nở Thấy Phật và Phật Thất của chùa Hoằng Pháp cho bà cụ xem. Xem xong cụ hạnh Thảo thích lắm và nói: “Tao chết cũng giống như bà cụ này vậy, tao không để bị hành xác đâu.”

Cụ Hạnh Thảo có xâu chuỗi và từ đó lần chuỗi niệm Phật ngày đêm. Đêm nào bị mất ngũ thì cụ niệm Phật nhiều hơn.

Một hôm cụ bị té bất tỉnh, gia đình phải đưa vào nhà thương,một mặt báo cho các con của cụ cùng biết.Trong thư Ái Thu viết: “Trong lúc ở nhà thương, má con lúc nào cũng nói kề bên tai ngoại,nhắc ngoại con nhớ Phật, nghĩ đến Phật và niệm Phật, Phật sẽ đến đón rước má về Tây Phương Cực Lạc”.

Chúng tôi hỏi:

-Gia đình có rước Thầy đến trợ niệm không?

– Dạ có, Chùa có phái một Thầy đến, nhưng viện lý do vào chủ nhật có lễ nên không ở lại, chỉ chỉ dẫn cho gia đình cách trợ niệm. vì vậy con phải điện thoại về Phù Cát – Việt Nam, cho Đại Đức Giác Dõng để xin hướng dẫn. Ngoại con tuy hôn mê, nhưng thần thức ngoại con vẫn còn nghe thấy. Nên con và má kiên trì trợ niệm cho ngoại. Lúc đó có cậu hai, dì và em con hiện diện, nhưng những người này không tin. Vào 4 giờ ngày 13-10, nhà thương quyết định rút ống dẫn khí. Má con kề sát tai ngoại nói: Má ráo riết niệm Phật không ngừng nghe má, y tá sẽ rút ống.

Má con vừa nói dứt lời, y tá rút máy, thì con thấy ánh sáng từ bên trên rọi xuống gương mặt của ngoại và bóng đèn neon bỗng rực sáng cả gian phòng. Lúc đó, ngoại con thở hắt ra đi một cách êm thắm. Con và má con tiếp tục niệm Phật. Rồi má con thấy hiện tượng lạ là: ngoại con thay đổi gương mặt biến dạng là gương mặt của người đàn ông. Còn con thì thấy bàn tay của ngoại con rất đẹp, da tay căng thẳng không nhăn nheo như lúc sống. Trái tay ngoại lớn thêm, vì lúc còn sống tướng ngoại rất tốt. Lúc đó cậu hai buộc miệng nói với má con: “Em và cháu niệm Phật quá thành tâm nên má mới được như vậy”.

Do lời nói này của Ái Thu, chúng tôi mới bảo:

– Cháu hãy nói cậu cháu và Đại Đức Giác Dõng viết cho bác mấy chữ, kể hết sự tình thì bác mới đăng được.

Đây là lá thư của cậu hai

Tôi tên Kh.T. ngụ tại thành phố Monterey Park, quận Los, miền Nam Cali, có vài lời trình bày sau đây.

Ngày 9 tháng 10 năm 2002, nghe tin má tôi tục danh Nguyễn Thị Ngọc Sương, pháp danh Hạnh Thảo bị bạo bệnh, té bất tỉnh, được đưa vào cấp cứu tại nhà thương “West Houston Medical Clinic”, tôi liền bay gấp qua Houston thăm má.

Tới nơi đến bện viện, gặp Má tôi nằm trên giường bệnh, vẫn hôn mê bất tỉnh. Liên tiếp mấy ngày sau, tôi đã tuần tự gặp mặt 4 vị bác sĩ chuyên môn về não, tim, phổi, ruột đang tận tâm cứu trị Má tôi, họ đều cho biết rằng Má tôi 88 tuổi đã cao niên, nên khi bị cơn xuyễn và đau tim (Asthma & Heart attack) cùng tấn công một lựot tại nhà, cấp cứu không kịp thời, dưỡng khí bị thiếu quá lậu, làm tổn hại qua mức những tế bào não bộ, nên không còn cứu tỉnh lại được.

Tôi liền triệu họp gia đình với các em tôi và đông đủ gia đình các cháu tôi ở Houston, để chuẩn bị tinh thần tất cả các con cháu hầu giúp tiễn đưa một cách trang nghiêm an lành, linh hồn má tôi lên miền Cực Lạc.

Trích 23 Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh của cư sĩ Tịnh Hải

Chuyện Vãng Sanh Của Thân Phụ Sư Cô Huệ Tâm Ở Biên Hòa

Chuyện Vãng Sanh Của Thân Phụ Sư Cô Huệ Tâm Ở Biên HòaTôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc ông rất bận rộn cả ngày, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Có nhiều lúc bán hàng đến 12 giờ khuya mới ăn cơm trưa. Dầu mỏi mệt, mắt nhướng không nổi, ông cụ vẫn không bỏ thời khóa niệm Phật. Ngày ấy tôi vừa mười hai tuổi đầu, không hiểu việc làm của cha.

Ông là người Tàu lai mang họ Từ – Từ Văn Lên, pháp danh Thiện Phước, sanh năm 1916. Năm 1959, lúc tôi 9 tuổi, ông quy y với Thầy Yết Ma Thiện Niệm – là một Ni sư người Pháp lai giả trai đi tu. Cha tôi chỉ nghe Thầy Yết Ma và Ni Trưởng Huỳnh Liên, Ni sư Thanh Liên, Kim Liên, Tạng Liên dạy niệm A Di Đà Phật được vãng sanh về cõi Phật.

Đằng đẳng hơn 60 năm, không một buổi tối nào ông bỏ thời khóa niệm Phật. Ông lên gác thắp nhang bàn Phật rồi xuống dưới đất ngồi trên bộ ván niệm Phật. Chư Phật đã chứng minh cho ông. Trước khi nhắm mắt, ông biết trước ngày vãng sanh.

Sáng ngày 9/2/1992, tôi về thăm nhà, ông nhìn tôi mà nói:

– Con có tiền lo cho ba không?

Tôi liền nhìn ông vì lúc này ông không bị bệnh hoạn gì mà lại hỏi như vậy. Tôi trả lời rằng:

– Con đi tu, dạy học ở trường hạ đâu có tiền.

Đến chiều ngày mùng 10/2/1992, ông bị té và được đưa vào bệnh viện vào lúc 7 giờ sáng ngày 11/2/1992.

– Ông hỏi: Nay ngày mấy?

– Đứa cháu nội nói: Dạ ngày 11.

– Ông nói: ngày 14 nhớ mua khoai lang nấu để cúng nhe. Ba sẽ được vãng sanh, nấu để cúng chư Phật đến rước Ba. Ông lập đi lập lại ba lần.

Đúng 4 giờ 30 sáng ngày 14/2/1992, người an nhiên ra đi trong tiếng trợ niệm của con cháu.

Lạ thay, lúc ở bệnh viện, mặt ông tái xanh nhưng khi về nhà, khuôn mặt ông sáng lạ thường, môi như mỉm cười, da thịt đầy đặn, sắc mặt sáng rực ánh hồng. Toàn thân lạnh ngắt nhưng riêng đỉnh đầu của ông vẫn nóng ấm.

Chuyện này có nhiều chư Tôn đức chứng minh nhưng vì thời gian cũng lâu nên bây giờ nhiều vị đã mất, nhiều vị đã đi nơi khác nên khó mà tìm được để chứng minh người thật việc thật. Nhưng những điều tôi trình bày đây là chân thật, không hư cấu hay giả dối vì Phật pháp bất khả tư nghì. Ông hưởng thọ 77 tuổi, vãng sanh ngày 14/2/1992. Một năm sau, 24/2/1993, mẹ tôi cũng vãng sanh và cũng thọ 77 tuổi.

Tuy tôi học nhiều, được bằng Cử nhân Phật học, Cử nhân Văn chương, Cao học Xã hội, Giảng viên Phật học và nhiều chức vụ khác nhưng tôi không công phu niệm Phật thì chắc chắn lúc lâm chung sẽ không được hưởng lợi lạc như cha mẹ tôi. Mặc dầu ba mẹ tôi không am hiểu nhiều về giáo lý nhưng ông bà niệm Phật gấp bội lần nên vãng sanh thật an nhiên và biết trước ngày vãng sanh. Tôi chỉ mong ước được bấy nhiêu đó thôi.

Cha tôi được an táng nên không có trà tỳ nên không biết có Xá lợi không. Nhưng theo tôi, có hay không Xá lợi thì cũng không quan trọng, quan trọng là có vãng sanh được hay không mà thôi.

Kính bút

Tỳ Kheo Ni Thích nữ Huệ Tâm
Trích: 23 Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh của cư sĩ Tịnh Hải, NXB Tôn Giáo

Thiền Sư Băng Hoài Tế Năng Thị Chúng

Thiền Sư Băng Hoài Tế Năng Thị ChúngSư họ Châu, người Sơn Âm, từ nhỏ đã biết lấy việc niệm Phật thoát liễu sanh tử làm việc bổn phận. Năm 19 tuổi Sư xuất gia, tham học với Hòa thượng Trạm Nhiên ở Hiển Thánh, theo Hòa thượng Kim Túc Mật thọ giới. Túc Mật dạy Sư tham thoại đầu “Que phân khô”. Sau, Sư đến Bắc thiền ở Cô Tô tham vấn Lão hòa thượng Hán Nguyệt, thấy đạo tràng có người tỉnh ngộ, Sư bùi ngùi sanh hổ thẹn, từ đó dõng mãnh dụng công. Ngày nọ, đang ăn cơm, Sư ngẩng đầu thấy cửa sổ, hoát nhiên tỉnh ngộ. Hán Nguyệt xuống trai đường hỏi Sư:

– Nghe nói ông có lối vào, ông vào bằng cách nào?

Sư lấy chân đạp đất. Hán Nguyệt hỏi:

– Gót chân này của ông so với Mã Tổ đạp Hòa thượng Thủy Lạo ngã nhào là giống hay khác?

Sư đáp:

– Giống và khác rốt cuộc chẳng dính dáng.

Hán Nguyệt dựng đứng thanh tre hỏi:

– Gọi thanh tre thì kẹt, không gọi thanh tre thì sai, ông gọi là cái gì?

Sư đáp:

– Sông Phổ uốn quanh chảy vào Trường Giang.

Hán Nguyệt nói:

– Ông cứ như hôm nay mà hạ thủ công phu đi.

Lúc này Hòa thượng Tam Phong Phạm Y, Hòa thượng Thụy Quang Đảnh Mục làm Thủ tòa hai đạo tràng, Sư đều đến tham vấn. Ngày nọ, tiết trời mát mẻ, Sư thả bộ xuống khe suối. Chợt thấy hoa đào nở đầy, mọi mối nghi từ trước trong Sư rủ sạch. Sư thể nhập yếu chỉ tông Lâm Tế và làm bài kệ:

Năm xưa rớt trong đám dây leo

Ngày nay thoát khỏi mớ lau bèo

Từ đây ngồi phá trăng ngàn đỉnh

Thay đổi mắt mi kẻ nhìn theo.

Thế rồi Sư mai danh ẩn tích trong Lô Sơn mấy năm, sau vân du khắp nơi, rồi quy ẩn trong Vân Đảnh Sơn, Diêu Giang, tự lấy hiệu là Nhất Hác Tử. Những năm về già, Sư thâm nhập pháp môn Tịnh độ.
* * *
Pháp ngữ khai thị hành giả Tịnh độ

Người niệm Phật chỉ cần cử một câu Di-đà, lấy đó làm việc hướng thượng thẳng tới. Ngài Vĩnh Minh nói: “Cách học đạo không có gì kỳ đặc, ngoài việc chỉ cần tẩy sạch chủng tử nghiệp thức từ vô lượng kiếp đến nay của sáu căn”. Lời này quả rốt ráo! Bởi con người sống trong vòng ngũ dục, thí như thích sắc thì có bóng dáng của sắc rơi ngay trong cửa ngõ sáu căn. Khi vào sâu trong ruộng tám thức, nó thường hiện khởi trong thấy, nghe, hiểu biết, sanh tình sanh ái, xả bỏ không được. Nó khởi vô số Hoặc, sanh vô lượng tham đắm, tạo vô lượng nghiệp, chịu vô vàn khổ, đều do bóng dáng này gây nên. Bóng dáng tức là chủng tử, cũng chính là tập khí. Phật biết tập khí khó trừ nên dạy chúng ta chấp trì một câu Di-đà, chuyên tâm mà niệm thì tập khí dần dần tiêu, ánh sáng của tâm dần dần hiển lộ, từ phần chứng dần dần đến toàn chứng. Niệm niệm liên tục, tất đến lúc tập khí tiêu hết, gốc rễ tự dứt thì tự nhiên cùng chư Phật sánh vai mà đi, đồng thở một lỗ mũi. Đó chẳng phải là một câu mà rõ ràng vượt hẳn trăm ức chăng! Sắc là một trong ngũ dục đã như vậy, thì thanh, hương, vị, xúc có thể tự nghiệm biết.

Kinh Hoa Nghiêm chép: “Nếu người muốn biết cảnh giới Phật, phải tịnh ý mình như hư không, lìa xa vọng tưởng và các nẻo, khiến người hướng đến đều không ngại”. Cảnh giới Phật thì người người vốn có, mỗi mỗi hiện thành, chỉ vì trần tình che lấp nên nó trở thành biển nghiệp. Nay muốn chuyển biển nghiệp này thành cảnh giới Phật thì trước tiên phải làm thanh tịnh ý mình. Ý đã tịnh thì ngày ngày thường ở trong cảnh giới Phật. Rất nhiều người sở dĩ không làm thanh tịnh ý mình được, đều do bị vọng tưởng và các nẻo làm nhiễm ô. Muốn lìa xa nó thì phải thống thiết mà sách tấn lên, nhất tâm bất loạn chấp trì danh hiệu, chớ bàn thị phi, được mất, chỉ một lòng tin vào lời Phật, niệm tịnh liên tục, câu câu rõ ràng. Niệm đến lâu ngày tất nhiên chuyển hóa vọng tưởng thành chánh niệm, biến các nẻo thành giải thoát.

Pháp môn Tịnh độ xem thì dường như dễ, trì thì thật là khó. Bởi người học tập thì ít, người nghi ngờ thì nhiều, nên pháp môn vi diệu này ít có người đủ lòng tin thú hướng tu tập. Do đó trong Kinh Di Đà gọi đây là “pháp khó tin”. Phàm ý chỉ thâm sâu của Phật là muốn con người mượn Di-đà ở Tây phương để chứng Di-đà của chính mình, mượn Tịnh độ của Tây phương để chứng Tịnh độ của chính mình. Chứng đắc Tịnh độ, Di-đà của chính mình, thì Tây phương cũng là cõi Phật của chính mình. Không những Tây phương là cõi Phật của chính mình mà Đông phương, Uế độ của tất cả chúng sanh cũng là Tịnh độ của chính mình, Di-đà của chính mình, cho đến thế giới mười phương, không có mảy vi trần nào mà chẳng phải là cõi Phật tự tâm của ta. Tất cả diệu dụng ấy đều nằm trong một câu Di-đà. Khai cội nguồn, mở căn nguyên thì một Tịnh thì tất cả Tịnh, một chứng thì tất cả chứng. Pháp môn này ý chỉ sâu xa, không phải người học rộng, tu tập lâu ngày thì không thể thấu suốt được.

Tây phương được gọi là thế giới Cực Lạc. Lạc này là sự an lạc xứng tánh. Cơm áo hiện thành, lầu đài đủ cả, ao báu tùy ý, nhạc trời rộn vang, khí trời ôn hòa, con người không bị cái lạnh cắt da. Gió nhẹ thổi qua, phiền não tiêu sạch, hoa rơi lả tả, hương trời thơm ngát, lại có chim muông thuyết pháp nên người mê cũng ngộ. Có bậc Thượng thiện làm bạn, nên kẻ tà cũng thành chánh; ánh sáng có cả ngày đêm, nên u ám trừ sạch, thấy nghe thanh tịnh, trí tuệ tăng trưởng, hằng sa Tam-muội chẳng cầu mà tự chứng, vô lượng diệu dụng, đâu đợi tu lâu. Còn nữa, không có cái vui thoái đọa mà có niềm vui tinh tấn, bởi vậy chư Phật mười phương tán thán, quả thật là cảnh giới không thể nghĩ bàn của Đại thừa, khiến cho chúng sanh vượt ngang ba cõi, lên thẳng Bát địa, Quyền thừa Nhị thừa lẽ đâu sánh kịp! Còn như người chuyên chí Tây phương, chỉ trong bảy ngày được Nhất tâm bất loạn thì vào ngay đất Bất thoái, khoanh tay an nhàn, như vầng trăng sáng rỡ giữa hư không, không mảy trần nào vấy bẩn được, như hoa sen mọc lên từ đất dơ. Cuối cùng khép mắt, đứng mà chết, ngồi mà tịch, thong dong nơi thế giới Cực Lạc, không khác Phật A-di-đà.

Sau khi tỏ ngộ còn phải siêng niệm Phật để sanh Tây phương chứng đắc hằng sa diệu dụng. Một khi đã sanh về cõi ấy thì không thứ gì ta không biết, không hiểu, thấu tận căn nguyên của các pháp, đó gọi là “chứng đắc trí tuệ đồng như Phật”. Hễ thân cận Di-đà thì tất cả phiền não trong đất phàm tâm, nào hiện hành, chủng tử đều dứt sạch, đó gọi là “làm sạch không phiền não đồng như Phật”. Hàng Ngũ địa Bồ-tát của Hoa Nghiêm vẫn còn học khắp tất cả pháp thế gian để tùy thuận giáo hóa chúng sanh, còn như người sanh Tây phương, thì tất cả Hoặc nghiệp chướng ngại việc giáo hóa, dù nhỏ nhiệm như mảy trần, hạt cát đều rốt ráo đoạn sạch, đó gọi là “phá sạch trần sa như Phật không khác”. Tất cả vô minh khó đoạn nhất, Thích-ca tu tập trong muôn kiếp ngàn đời mới đoạn sạch, còn như người sanh Tịnh độ liền đoạn ngay được vô minh, lên ngay quả Đẳng giác, đó gọi là “đoạn sạch vô minh như Phật không khác”. Hễ người sanh về Tây phương, đi trên đất như đi trên nước, đi trên nước như đi trên đất, vô số biến hóa, không thứ gì mà làm chẳng được, đó gọi là “đủ cả thần thông như Phật không khác”. Hễ nghe diệu pháp âm thì thấu triệt ngọn nguồn lý tánh, tự tại vô ngại, an vui xứng tánh, đó gọi là “thấy suốt thể tánh như Phật không khác”. Hễ nương thần lực của Phật thì đủ sức giải thoát, làm được việc khó làm, độ những kẻ khó độ, điều phục kẻ cang cường, hạnh nguyện Bồ-đề thảy đều tu tập, không thứ gì chẳng thể viên mãn, lại có hằng sa diệu dụng, vô lượng diệu trang nghiêm, đó gọi là “chứng các diệu hạnh như Phật không khác”. Đến được đất này thì gọi là sanh vào nhà Như Lai, thọ dụng đồng như Phật. Nếu sau khi rõ tâm thấy tánh mà liền khoanh tay, không đặt chí về Tây phương Tịnh độ thì người này trụ nơi Hóa thành của Thanh văn, rốt cuộc không được vào Bảo sở của chư Phật.

Phàm con người, chỉ một niệm bất giác thì mê việc lớn này, đánh mất chánh niệm Kim cang liền trở thành vọng niệm tạp nhiễm. Niệm này vừa khởi ở trong thì hiện ngay ra đầu cửa sáu căn, đều là việc tạp nhiễm. Bởi vậy, những gì chiêu cảm từ bên ngoài đều là Uế độ tạp nhiễm. Thế giới một phương đã Uế thì thế giới mười phương cũng thành Uế độ, vô lượng diệu nghĩa, trăm ngàn pháp môn đều biến thành gai góc. Những thứ mắt thấy, những điều tai nghe, tất cả đều thành cảnh của phiền não. Bởi vậy, chúng sanh bị nó trói buộc, chịu vô lượng khổ, không được giải thoát. Phật mở con đường thẳng tắt vi diệu, khiến người tin mà đi tới, có thể đoạn dứt khổ, chuyển được tâm. Nhưng cần phải buông bỏ mọi việc, chỉ cử một câu Di-đà, chẳng kể gì rảnh bận. Tu tập nhiều tháng nhiều năm, tự nhiên thuần nhất không tạp, đã thuần lại thuần hơn, liền được nhất niệm thuần chân. Đó là nhất niệm thuần tịnh. Một niệm thanh tịnh thì sáu căn thanh tịnh. Bên trong thân tâm đã thanh tịnh, thì bên ngoài chiêu cảm thế giới Tịnh độ cũng được thanh tịnh. Nói rộng ra thì thế giới mười phương cũng thanh tịnh, đương nhiên không rơi vào bốn câu, trăm lỗi. Đây là diệu dụng xuất cách. Nhân đã thanh tịnh thì quả đương nhiên sẽ thanh tịnh. Như cha thanh tịnh hay thực hành lòng từ, thì con thanh tịnh hay tận tâm hiếu kính; vua thanh tịnh hay dùng người sáng suốt thì bề tôi thanh tịnh hay bắt chước người tài. Tăng thanh tịnh hay thành tựu đạo nghiệp thì tục thanh tịnh hay học theo phạm hạnh ấy. Trong cảnh thuận mà thanh tịnh thì trong cảnh nghịch cũng thanh tịnh, nhẫn đến hạnh tham của Bà Tu Mật Nữ cũng thanh tịnh, tâm sân của Quốc vương Vô Yểm cũng thanh tịnh, tâm si độn của Thắng Nhiệt Bà-la-môn cũng thanh tịnh. Tất cả vô minh phiền não đều hóa thành thanh tịnh, phường dâm quán rượu cũng thanh tịnh. Đến cảnh giới này thì cung ma, hang hùm, thiên thượng, nhân gian đều vỗ tay đi qua, ca sầu vui múa, làm kẻ tự tại. Vậy thì, niệm Phật hay sanh Tây phương, phá sanh tử, ra khỏi ba cõi, vượt khỏi trói buộc, thoát khỏi hầm lửa, thấy rõ tự tâm, ra khỏi nanh vuốt, sức ấy lớn thay! Có đường thẳng tắt như vậy mà không chịu đi, trái lại còn chê bai bài xích, quả thật là kẻ phàm phu điên đảo, chủng tử ngu mê, thật xót thương thay!

Một môn niệm Phật, nếu thâm nhập thì nhận được phép tắc Vô tận tạng của Như Lai. Tạng ấy, ai nấy đều sẵn có, nhưng bị trần duyên che lấp nên không tự thấy, cần phải niệm Phật để khơi nó lộ ra. Như kẻ nghèo túng biết có của báu ẩn tàng ngay trong nhà thì phải kiên tâm trì chí, lao động cật lực, cày xới đất lên. Một khi đất đã hết thì kho báu tự hiện. Từ đó, kẻ ấy được gọi là ông Trưởng giả giàu có. Nên biết một câu Di-đà, đi đứng chẳng lìa, khổ vui chẳng quên, tâm tâm liên tục, đọc nghe rõ ràng, tiến mãi chẳng dừng. Niệm đã tha thiết, trần chướng liền mở, lên nhà vào thất liền có thọ dụng, đó là kho báu vô tận. Trong đời mạt pháp, tuy người tham thiền hầu hết có tỏ ngộ, nhưng rất khó chứng, không thoát khỏi triền phược. Nếu như niệm Phật ngay thì dõng mãnh tiến tới, có thể thực hành thì ít nhưng công năng thì sâu. Các ngài như Tử Tâm Ngộ Tân, Thiên Như Duy Tắc, Viên Chiếu Tông Bản, Tịnh Thọ Từ Thâm, Chơn Hiết Thanh Liễu, Vĩnh Minh Diên Thọ là bậc rường cột của năm tông, đều thú hướng pháp môn này mà nhận được Như Lai tạng. Bởi vậy, thâm nhập pháp môn này thì cặn đục tự nhiên tiêu hết, vô minh tự nhiên hết sạch, sáu căn tự nhiên thanh tịnh, biển nghiệp tự nhiên cạn khô, sanh tử tự nhiên tịch diệt, Tam-muội tự nhiên hiện tiền, Lục thông tự nhiên đầy đủ, bờ Giác tự nhiên vượt lên, công đức tự nhiên thành tựu, rõ nhân thấu quả, lợi mình lợi người, cùng sanh Cực Lạc, vào ngôi Bất thối. Cổ đức nói: “Nhiếp phục 6 căn, Tịnh niệm liên tục, không quá 49 ngày liền chứng Tam-muội. Tam-muội đã thành, đều được giải thoát, ta mặc tình lấy nhưng không hết, dùng nhưng không cạn”. Ngài Vân Thê nói: “Ngang bằng chư Thánh trong một lời, vượt ngoài ba kỳ trong một niệm, thì chỉ có công đức niệm Phật mà thôi”. Như vậy, chặt thẳng thống khổ, chẳng qua chi ly, vượt ngay nhân hữu lậu, trọn chứng quả vô vi, pháp môn thù thắng này, ta nguyện cùng tất cả chúng sanh trong đại địa nhắm ngay đó mà vào.

Có người Hỏi: Nghĩa của Tây phương Tịnh độ thế nào?

Sư Đáp: Tịnh độ tức là công phu tu tập đến chỗ rốt ráo nhất, mọi thứ cặn bã đều tiêu sạch, không còn mảy may cấu uế. Khi thật sự đến đất ấy rồi thì phàm thánh đều hết, chân ngụy đều quên thì đó là Tịnh độ chân thật, mới là nơi an thân lập mạng của ta. Còn như Tây phương, có đủ 7 nghĩa:

1. Đứng về năm màu mà luận, thì Tây phương là màu trắng, không có các thứ nhiễm ô, tượng trưng cho sự sáng sạch. Người tu Tịnh độ dùng một câu Di-đà gội rửa ba nghiệp thân khẩu ý, là làm thanh tịnh chánh nhân, nhân tịnh thì quả cũng tịnh. Bởi vậy người niệm Phật, lâm chung sanh Tây phương, chính là nhân quả tương hợp.

2. Đứng về bốn mùa mà luận, thì Đông phương là đất sinh trưởng tượng trưng cho mùa Xuân; Tây phương là nơi làm cho chín, tượng trưng cho mùa Thu. Giống như phàm phu phát tâm ở phương Đông, nhờ niệm Phật mà vãng sanh, tức là thành thục đạo quả ở phương Tây.

3. Theo Ngũ hành mà luận, thì Đông phương thuộc Mộc, Tây phương thuộc Kim. Mộc gặp búa rìu đẽo gọt chuyển cây tạp thành rường cột. Phàm phu giống như cây chưa đẽo gọt, chịu nhất tâm hệ niệm danh hiệu Phật ở Tây phương, rõ ràng được búa rìu đẽo chạm, tự chuyển phàm thành thánh, đạo đức hoàn bị.

4. Theo Bát quái mà luận, thì Đông phương thuộc quẻ Chấn, biểu trưng cho động, động thì sanh các thứ khổ não, nên thế giới Ta bà được gọi là Khổ hải. Tây phương thuộc quẻ Đoài, tượng trưng cho an vui, nên Tây phương có tên là thế giới An Dưỡng hay cõi Cực Lạc.

5. Theo mặt trời mặt trăng mà luận thì, mặt trời là Dương, tượng trưng cho Trời, mặt trăng là Âm, tượng trưng cho Đất. Hai hành tinh này mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây, con người nên bắt chước, siêng tu Tịnh nghiệp cầu về Tây phương, đó gọi là đạo Tam tài nhất quán (Thiên, địa, nhơn).

6. Con người ở Đông phương giống như cây, mùa Xuân thì đâm chồi nảy lộc, mùa Thu thì lá rụng cành khô. Tươi, khô, thịnh, suy này giống như chúng sanh khi ở trong biển khổ Ta bà bị phiền lụy bởi những thứ như sống chết, thành bại, được mất … Còn Tây phương giống như vàng ròng, vàng thì trải qua muôn kiếp vẫn chẳng hư hoại, ở trong dơ bẩn nhưng không biến chất, vào nước lửa chẳng đổi thay, nên người sanh Tây phương được gọi là Cực Lạc, vượt sanh tử, thoát ba cõi.

7. Đông phương là nước hữu vi, nào ăn, mặc, cung điện, nhà cửa, vật dụng, tất cả phải do sức người làm ra mới có, Đông phương là cõi Dục lạc. Phàm những ai ở quốc độ này đều tham cái vui ngũ dục, mê mất mặt mũi thanh tịnh xưa nay. Còn Tây phương là nước vô vi, nghĩ đến áo thì áo hiện, nghĩ đến ăn thì ăn đến, muôn ngàn thọ dụng tự nhiên, chẳng phải nhọc công làm, Tây phương là cõi Tánh lạc. Người sanh Tịnh độ hưởng sự an vui xứng tánh soi thấy năm uẩn đều không.

Hỏi: Buông bỏ hết tình thức, xưa nói “liền có thể ngộ được ông chủ trong mộng” sao còn dùng công phu thẳng tắt, lại dạy người phải khổ công niệm Phật, nhắm trong cái chi ly mà cầu?

Đáp: Buông bỏ hết tình thức rất là dễ dàng, chỉ là người đời không thể buông bỏ, mà cũng chưa từng buông bỏ. Nếu khởi tâm muốn buông thì liền nảy sinh lắm việc, vừa khởi tâm muốn bỏ, lại càng thêm phiền toái. Bởi phàm phu tìm kế sống ngay nơi tâm ý thức, muốn dùng tâm ý thức để buông bỏ muôn duyên, chẳng khác nào đem lửa đom đóm thiêu cháy núi Tu Di, rốt cuộc không thể thiêu được. Chỉ có người đại triệt đại ngộ mới hay khéo dùng, còn lại đều không thể. Cho nên nếu không thâm nhập pháp môn niệm Phật, thì mặc kệ người khác buông hay không buông, bỏ hay không bỏ, mình chỉ lớn tiếng niệm đi niệm lại, đầu sào trăm thước hố thẳm buông tay, tình duyên chẳng đoạn nhưng mất, khí chất chẳng đổi nhưng thay, liền có thể buông thân nằm ngang, đến đi tự tại, hiện tại chính là cố hương yên bình của mình.

Hỏi: Trong thời Oai Âm Vương, trước lúc cha mẹ sanh ra ấy, có gọi là Tịnh độ không? Có gọi là Tự tánh Di-đà không?

Đáp: Thời Oai Âm Vương, trước lúc cha mẹ sanh ra, cố nhiên là chân Tịnh độ, chân Tự tánh Di-đà, chỉ do vì gọi tên không được. Nhưng nếu gọi được thì thành Uế độ mà không còn là Tịnh độ, liền thành phàm phu mà không phải là Di-đà. Chúng sanh trong thế giới Ta bà chỉ vì danh tự này mà bỏ không được, quên không xong, cho nên chuyển Phật Di-đà trong pháp giới thanh tịnh xưa nay vốn có thành phàm phu trong đời ác ngũ trược. Nếu trong lòng không có thứ tạp nhạp ấy thì tự nhiên cùng tắc biến, biến tắc thông, chỗ thông ấy thấy Tự tánh Di-đà, liền chứng Duy tâm Tịnh độ.

Hỏi: Thiền sư khi đại ngộ rồi, có thể thong dong trong Thường Tịch Quang, đâu cần cầu sanh Tây phương, sau đó mới gọi là có ích?

Đáp: Thiền sư quả thật có sức mạnh lớn, đến khi buông bỏ thân mạng thì liền được chút phần thọ dụng trong Thường Tịch Quang. Nhưng tập khí vẫn còn dày, nên tiến tới rất khó khăn. Trí tuệ cỡ như Lô Xá Na Phật mà còn phải tu tâm trăm kiếp, nếu người trí chưa bằng như Phật ấy thì chưa có ai chẳng bị nghịch cảnh đánh mất. Bởi vậy cầu sanh về báo độ của Phật Di-đà, gần gũi báo thân Di-đà, trước giữ chắc mình không thoái chuyển, lại càng phải tinh tấn mới vào được giai vị Phật.

Hỏi: Cõi này cũng có ao, hoa, suối, cây v.v… đáng vui, cõi kia ao, hoa, suối, cây v.v… cũng đâu hơn cõi này, tại sao lại nói Tây phương là do xứng tánh mà hiện?

Đáp: Phàm phu có hai tình chấp khó thay đổi, nên rơi hết trong sanh tử luân hồi. Cảnh giới mà cõi này có đều do đối đãi mà hiện. Có thành có hoại, nên gọi là cảnh sanh diệt. Nếu sanh cõi kia rồi, lìa đối đãi của ba cõi, vượt sanh tử thoát luân hồi, cho nên trong thế nào thì hiện ra ngoài thế ấy. Nếu chúng ta đến được đất ấy, tức chân ngụy đều quên, ao, suối, hoa, cây muôn thứ hiện ở bên ngoài đó không rơi vào chân ngụy trùng trùng, có thể thấy chân cảnh của xứng tánh, an vui xứng tánh, không hề có các việc tươi, khô, thịnh, suy, tuyệt nhiên không phải do đối đãi mà thành, không mảy may rơi vào pháp sanh diệt. Đương nhiên, ta không thể đem tâm phàm phu suy lường rồi nghĩ bàn mà cầu được, lẽ đâu cõi này sánh kịp!

Hỏi: Nghe rằng, người niệm Phật cũng vào được pháp giới Tịnh độ, vậy cái gì gọi là pháp giới Tịnh độ? Và phải tu như thế nào để vào được? Nếu xưa nay thanh tịnh thì dùng niệm Phật làm gì? Nếu xưa nay dơ uế thì tại sao niệm Phật liền được thanh tịnh?

Đáp: Pháp giới xưa nay thanh tịnh, do trong tâm chúng sanh có vô lượng tạp nhạp, pháp tùy tâm biến nên thành Uế giới. Nay nếu cử một câu danh hiệu Phật, buông bỏ muôn duyên, vững chắc như người đàn bà câm cầm chổi quét dọn suốt 12 thời, đâu đâu cũng sạch sẽ. Niệm đến tâm không, tâm không thì tạp nhiễm cũng không, tạp nhiễm đã không thì trở lại là pháp giới thanh tịnh xưa nay. Đó thật là lắng đục thành trong, chuyển uế thành tịnh. Đến được đất này thì sanh tử cũng là Tịnh độ, Thiên đường địa ngục cũng là Tịnh độ, núi cao đất sâu cũng là Tịnh độ, vinh nhục thăng trầm cũng là Tịnh độ, thị phi được mất cũng là Tịnh độ, cả thế giới mười phương cũng là Tịnh độ, nên gọi đó là pháp giới thanh tịnh, do công dụng niệm Phật mà vào được, há không thẳng tắt ư!

Hỏi: Người vào pháp giới Tịnh độ, thức thứ tám của họ rỗng rang chưa? Nếu chưa rỗng rang thì sao gọi là pháp giới Tịnh độ?

Đáp: Đây chỉ là chút phần tịnh, đâu thể làm rỗng rang thức thứ tám. Nếu muốn toàn tịnh thì thẳng đến thành Phật, thức thứ tám mới rỗng rang, nên nói: “Sau đạo Kim cang dị thục không”.

Hỏi: Pháp giới Tịnh độ thuộc độ nào trong bốn độ?

Đáp: Nếu đoạn Hoặc chưa hết thì đó là Phương Tiện Hữu Dư độ, hay Thiểu phần Thường Tịch Quang độ. Nếu vào đó thì phải càng tinh tấn tu tập, thẳng đến thành Phật thì mới gọi là Toàn cư Thường Tịch Quang độ.

Hỏi: Đã có pháp giới Tịnh độ để sanh thì đâu cần dạy người cầu sanh Tây phương Tịnh độ?

Đáp: Thế giới mười phương tuy là một pháp giới Tịnh độ, nhưng căn cơ chúng sanh có lợi có độn, đâu thể chứng nhập được. Bởi vậy, Phật mở cửa phương tiện, dạy người phải từ Tây phương mà thể nhập. Tây phương là báo độ của Di-đà. Thân cao 60 vạn ức na-do-tha hằng hà sa số do-tuần là báo thân của Di-đà. Báo thân tất ở nơi báo độ. Người học đạo hễ nghĩ đến Phật quả Bồ-đề tất phải thân gần báo thân Phật, nghe diệu pháp của Phật mới chứng đắc rốt ráo pháp giới Tịnh độ. Bởi vậy, đã vào được một phương thì thế giới mười phương cũng vào được. Một phương thanh tịnh thì mười phương thế giới đều thanh tịnh; một phương thành thế giới Cực Lạc, thì mười phương thế giới cũng thành Cực Lạc.

Hỏi: Nghe thầy dạy, niệm Phật không cho niệm thầm, nếu người ốm yếu, thật không thể ngày đêm niệm lớn tiếng. Người xưa thì dạy, âm thanh ở ngay cửa miệng, lặng lẽ mà niệm, cách này thế nào?

Đáp: Người niệm thầm, sức yếu khí hôn, dễ sanh giải đãi, hơn nữa không thể tác động đến người khác. Những âm thanh tạp nhạp, vọng tưởng nhân cơ hội ấy tác động vào tâm thì đâu thể thành tựu Tịnh nghiệp? Nếu thật người đó ốm yếu không thể niệm lớn tiếng thì cho phép dùng cách ấy, nhưng phải tâm tâm phản chiếu, quyết chí Tây phương, mỗi ngày phải tinh tấn lên mới được.

Hỏi: Người niệm Phật lớn tiếng không cần ghi số lượng được không?

Đáp: Người mới thực hành, ngày ngày phải ghi, lấy thời khóa làm lộ trình thì không rơi vào giải đãi, biếng nhác. Nếu không có số lượng nhất định, thì lúc niệm lúc không, vui chán xen tạp, rảnh bận không chừng, dễ sanh phóng túng, tịnh nghiệp khó thành. Duy người tu lâu thì ghi hay không ghi cũng được. Nhưng lúc chấp trì một câu Di-đà phải như cầm kiếm Thái A, muôn người địch không lại, phá thủng vòng vây, chém sạch quân giặc, thì tự nhiên đến được thế giới thanh tịnh.

Hỏi: Người tu tập, quý ở chỗ một thấu tỏ thì tất cả thấu tỏ, trong lòng không gá nương, không duyên niệm, nay luôn luôn niệm Phật là có duyên niệm, có gá nương, đâu thể gọi là một thấu tỏ thì tất cả thấu tỏ?

Đáp: Đây chẳng qua lấy nêm tháo nêm, lấy độc trị độc mà thôi. Người đời nếu niệm thanh sắc, tài lợi thì sẽ bị những thứ này trói buộc, rồi nuôi dưỡng nó trong lòng. Niệm thứ gì cũng đều như vậy cả. Phật thương chúng sanh không thể buông bỏ tâm niệm, nên lấy một câu Di-đà này thay thế tình niệm của người đời. Đây gọi là lấy niệm xuất thế thay đổi niệm thế gian, lấy niệm công đức thay cho niệm tội lỗi, lấy niệm giải thoát thay cho niệm trói buộc, lấy niệm an lạc thay cho niệm hiểm nguy. Như người thợ khéo tay lấy rường thay cột, tẩy rửa làm cho chúng sanh sạch hết tạp niệm, nhân một niệm của sự niệm Phật này mà trở về cố hương vô sở hữu. Người xưa nói: “Qua sông phải nhờ bè, đến bờ chẳng dùng ghe”, thì làm gì có gá nương hay duyên niệm đâu!

Hỏi: Người ta nói, tham thiền là lộ trình thẳng tắt, niệm Phật là con đường quanh co, đúng không?

Đáp: Tham thiền cốt phải chăm chăm buông bỏ, niệm Phật cốt phải câu câu toàn đề. Đề và buông tuy khác, nhưng công dụng như nhau. Nếu người giỏi hạ thủ công phu thì nơi quanh co cũng thành thẳng tắt, không biết dụng công thì nơi thẳng tắt trở thành quanh co. Hơn kém là ở con người, không nên nghi ngờ pháp môn sâu cạn. Cổ đức nói: “Chỉ đề mà không cần tham gì khác, cầu thì sẽ thấy”. Con đường niệm Phật, rất dễ thực hành, vô cùng thẳng tắt, xin suy xét kỹ.

Hỏi: Trước đây có một người nói mình đã tỏ ngộ, chê niệm Phật là kế sanh nhai của kẻ độn căn, nói vậy là thế nào?

Đáp: Miệng nói tỏ ngộ, nhưng mới chuyển một bước liền có không biết bao thứ chấp trước dắt dẫn, vô minh hiện ngay trước mắt, phải gọi gã là kẻ chẳng biết gì mới đúng. Hơn nữa, do không biết lực dụng của một câu Di-đà nên mới cho đó là kế sanh nhai của kẻ độn căn. Nếu hiểu được như vậy, thì liền chứng câu thoại đầu “Bất thoái chuyển”, gót chân chỉ mới đứng vững mà thôi. Tồi tệ thật! Người đời nay chẳng thể sánh với người xưa. Việc ấy đâu có gì lạ!

Hỏi: Người tu Tịnh độ có nên ghi nhớ, ấp ủ trong lòng tất cả những cảnh mình đã thực hành thuần thục rồi không?

Đáp: Người niệm Phật nhưng không thành tựu Tam-muội, lỗi chính ở chỗ này. Cảnh chưa thuần thục thì muốn tập thuần thục, nhưng chẳng chịu buông bỏ. Cảnh thuần thục rồi thì thường sợ bị quên mất, nên nhớ nghĩ hoài, đó là cái tệ đáng trách. Nhẫn đến, nhận ân chịu oán của người khác quyết lòng phải trả hết mới thôi, dù chết cũng cam tâm. Nếu thay đổi cái nhớ nghĩ đó bằng một câu danh hiệu Phật, buông bỏ hết mọi thứ đã học đã thực hành đi, phó thác nó cho nước chảy mây trôi, lâu ngày chầy tháng tự nhiên thành một khối Tịnh độ vững chắc.

Hỏi: Niệm Phật cầu sanh Tây phương có thể đọc sách Phật và sách Nho không?

Đáp: Tất cả Phật pháp và các nghĩa lý đều trợ giúp ta tiến tu, nhưng nếu không hiểu rõ diệu nghĩa của pháp môn Tịnh độ và tin không tha thiết thì phải xem gấp những kinh sách nói về Tịnh độ để quyết định sự tu tập và thú hướng. Còn những sách vở khác không nên dung nạp bừa bãi trong tâm, chúng sẽ trở thành nhân duyên chướng đạo. Bởi vậy Nhất tâm bất loạn là tông chỉ của việc tu Tịnh độ, là cửa lớn để thành tựu Tam-muội.

Hỏi: Như Lai dạy người cầu sanh Tây phương, lại dạy người hồi nhập Ta bà, hai ý này trái nhau, nguyên nhân là thế nào?

Đáp: Ông không thấy đoạn văn trước có câu “Không trái An Dưỡng” đó ư? Bởi người mới phát tâm Bồ-đề, sanh trong nước Cực Lạc ở Tây phương, có nhiều thời giờ hàm dưỡng huân tu, Hoặc chướng hết sạch, cửa Tuệ mở toang, thần thông đốn phát lên ngôi Bất thoái, sau đó lại ra giáo hóa chúng sanh, đến đi vô ngại. Do đó những người ở lâu nơi Cực Lạc rồi, Phật lại sai họ hồi nhập Ta bà để độ chúng sanh, nhưng vẫn không trái với An Dưỡng. Trụ thần ở đây, phân thân hồi nhập, tùy loại hóa hiện. Nên biết, khuyên người bỏ Ta bà để sanh Tịnh độ, hay khuyên người bỏ Tịnh độ để sanh Ta bà đều phải quán cơ khế giáo, tùy căn cơ mà hóa độ, lợi mình lợi người. Đạo Bồ-tát viên mãn thì Phật đạo nào khó gì! Đây là phương pháp độ sanh vô cùng nhiệm mầu của Phật A-di-đà và Phật Thích-ca.

Hỏi: Pháp môn này, vượt thẳng ba cõi, điều ấy tin rồi. Còn chúng sanh trong thời mạt pháp sợ rằng họ tự sanh chướng ngại, chưa rõ có mối tệ nào không?

Đáp: Người tu Tịnh độ có 10 cái tệ làm chướng ngại pháp môn. Đó là:

1. Tin không hết lòng.

2. Làm không hết sức.

3. Phát nguyện không sâu.

4. Lẳng lặng niệm thầm.

5. Tâm duyên việc đời.

6. Chẳng trừ thương ghét.

7. Ôm nhiều nội điển ngoại điển.

8. Thích ngâm nga phân tâm.

9. Tán gẫu nói chuyện phiếm.

10. Không được nhất tâm bất loạn.

Người ra công khắc kỳ thủ chứng, tha thiết hạ thủ công phu quyết không để phạm phải 10 mối tệ vừa nêu, chống mắt dựng mày, truy đảnh niệm Phật, tự nhiên hiện tại thấy bản tánh Di-đà, mãn báo thân này về ngay Tây phương Cực Lạc.
(Trích dịch từ Giác Hổ Tập – Tục 62)

Thích Đồng Ngộ dịch
Trích: Tập San Suối Nguồn số 9 (TVHQ)
Biên tập: Trang nhà Huệ Quang