Niệm Phật Cảm Ứng Hết Bệnh Kinh Niên [Video]

Niệm Phật Cảm Ứng Hết Bệnh Kinh NiênMột cụ bà mang chứng bệnh lắc cổ kinh niên do quả báo từ nghề nghiệp, bà thường ngắc đầu dế để làm món ăn cho khách hàng. Nay nhờ lòng chí thành, khẩn thiết niệm Phật cụ được lành bệnh tự lúc nào không hay. Từ một người hung dữ, tánh tình luôn nóng giận hay chửi bới người khác không kể những người thân trong gia đình, cụ bà Trần Thị Ích như đã lột xác hoàn toàn để biến thành một người biết cảm thương, đồng cảm với kẻ khác sau một lần “niệm Phật để tự tử” không thành. Chúng ta hãy nghe những lời bộc bạch tâm sự thật bình dị nhưng chân thành của cụ để tìm hiểu thêm “bí quyết” niệm Phật của cụ.

 

Phim Du Tịnh Ý Công Gặp Táo Thần

Phim Du Tịnh Ý Công Gặp Táo ThầnPhim được lão hòa thượng Tịnh Không cố vấn chỉ đạo. Nội dung phim kể về sự chuyển nghiệp kỳ diệu của Du Công ngay trong chính gia đình ông. Nhờ được Táo thần khai ngộ ông đã hiểu vì sao cuộc đời của ông đã gặp nhiều trắc trở. Du Công đem kinh nghiệm của cả cuộc đời mình thành tâm viết nên câu chuyện này để mong rằng con cháu đời sau hãy xem đường đời gập ghềnh ly kỳ của mình mà lấy đó tự răn.

Việc đời xưa này nghịch nhiều thuận ít, bại dễ thành khó. Nhưng cho dù hoàn cảnh có khó khăn như thế nào cũng phải quyết giữ chánh đạo. Nếu dùng tâm không chánh đáng, dùng thủ đoạn để hưởng thụ thì rất ngắn ngủi. Đó gọi là đến rất nhanh, mà đi cũng rất nhanh. Sự vui vẻ chẳng biết bao giờ đến rồi chợt mất lúc nào. Rồi có một ngày tất cả những khổ báo mà mình phải nhận lấy là những điều mà tuyệt nhiên chúng ta không thể nghĩ đến.

 

Nằm Mộng Không Niệm Phật Được Khó Vãng Sanh

Nằm Mộng Không Niệm Phật Được Khó Vãng SanhCuối đời nhà minh, có Đại sư Tử Bách, là một trong bốn vị đại sư lỗi lạc của cuối nhà Minh, đó là : Đại sư Liên Trì, Hám Sơn và Ngẫu Ích. Một hôm, có vị tăng đến hỏi đạo. Sau khi đảnh lễ, vị ấy thỉnh Đại Sư Tử Bách khai thị.

Đại sư Tử Bách hỏi:

– Hằng ngày, ông tu pháp môn gì?

Vị tăng đáp:

– Đệ tử thuộc hạng độn căn, không thông thạpo các pháp môn, chỉ niệm A Di Đà Phật mà thôi.

Đại sư hỏi:

– Ông là người tu niệm Phật, vậy lúc nằm mộng ông có niệm Phật không?

Vị tăng đáp:

– Lúc tỉnh con niệm Phật dược, còn lúc mộng thì con không nhớ đến Phật.

Đại sư đáp:

– Niệm Phật như vậy làm sao có tác dụng! Trong mộng không nhớ niệm Phật thì việc ông cầu sinh Tịnh độ cũng giống như ngàn cân treo sợi tóc, đèn treo trước gió mà thôi!

Tại sao Đại sư Tử Bách lại nói như vậy? Tại vì lúc mộng cũng như chết. Nói như vậy không được thuận tai cho lắm, nhưng sự thật là vậy. Lúc nằm mộng là chết nhỏ (chết trong một thời gian), cứ tối ngủ không làm chủ được mộng là chết nhỏ, sáng mai thức dậy sinh hoạt bình thường, quanh năm suốt tháng cứ như vậy, không có chính niệm, niệm Phật, nếu một mai vô thuờng đến (chết lớn) làm sao mà niệm Phật? Hay nói cách khác: lúc nằm mộng (chết nhỏ) còn không niệm Phật được, vậy lúc vô thường (chết lớn) lại càng không niệm được. Các bạn hãy đem lời dạy này khảo sát lại bản thân mình, xem thử mình công phu niệm Phật tới đâu, có nắm chắc được vãng sinh hay không, liền có thể biết được mà nỗ lực niệm Phật.

Nằm mộng rất nguy hiểm, bạn không nên xem thường nó. Bạn phải đặc biệt chú ý. Khi nằm mộng là lúc thức thứ sáu (ý thức) không làm chủ được “linh giác” của mình, nó luôn chạy theo cảnh mộng thì thật là nguy hiểm!

Chuyện kể rằng: núi Phổ Đà ở Nam Hải, vào đời nhà Thanh có hòa thượng Liễu Tình. Nhân duyên xuất gia của thầy rất thú vị, chính là vì nằm mộng sau đó mới xuất gia. Thầy nằm mộng như thế nào? Lúc còn tại gia, thầy là một thanh niên tin Phật, ngày nào cũng tụng một quyển kinh Kim Cang, dù bận rộn như thế nào, khuya như thế nào thầy cũng nhất định tụng cho xong rồi mới đi ngủ. Thầy tu rất tinh tấn, trong ngày có thể cơm không ăn cũng được, nhưng không thể không tụng kinh.

Một đêm nọ, lúc ngủ thầy nằm mơ thấy nhà mình có một cỗ xe (lúc bấy giờ là xe ngựa), trên xe có sáu cô gái, cô nào cũng rất là dễ thương, sắc đẹp của các cô làm cho “chim sa cá lặn”, như tiên nữ giáng trần; chính là “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Các cô tiến đến gần hỏi: “Chàng ơi! Đến đây! Chàng ơi đến đây! Trên xe còn rất rộng, chúng thiếp có để cho chàng một chỗ này!”. Hòa thượng Liễu Tình lúc ấy là một thanh niên, cũng giống bao nhiêu người thanh niên khác, khó mà thắng nổi với những nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, cộng thêm với những lời mời ngọt như đường và những nụ cười “chết người”… cậu ta cảm thấy thú vị liền lên ngồi. Xe đi được một lúc thì dừng lại, sáu cô gái bước xuống, cậu cũng bước xuống. Cậu thấy phía trước có một cái cửa, nhưng cửa rất nhỏ. Sau khi sáu cô gái vào trong, cậu cũng có ý định vào theo. Nhưng rất lạ, sáu cô gái không đi mà bò vào, cậu cùng làm y như họ. Sau khi họ bò vào xong, đến lượt cậu, cậu thấy một vị thần Kim Cang, giống như Bồ tát Vi Đà tay cầm chày Kim Cang, vừa thấy cậu liền cản lại: “Ông không được vào đây ra mau, ra mau!”. Nhưng cậu cứ một mực đi vào, thần Kim Cang hét: “Đã nói không được vào, mà ông cứ cứng đầu muốn vào, nguời tụng kinh Kim Cang, không được phép vào nơi này, tôi đã bảo ông đi ra mà ông không chịu đi à!”, liền lấy chày Kim Cang nện xuống đầu cậu, khiến cho đầu cậu vô cùng đau nhức, ngay lập tức liền ngất xỉu, khi tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường. Cậu nói: “À, thì ra là nằm mơ!”. Nhưng quái lạ, cậu cảm thấy ở đâu có mùi rất hôi như là mùi phân heo, mùi này từ trước đến nay trong nhà cậu làm gì có, mà cũng chưa từng nghe mùi này bao giờ. Chao ôi! Cậu cũng vô cùng mệt mỏi, trong dạ lại bồn chồn, mồ hôi ướt đẫm cả thân. Cậu xem kỹ lúc này mới quá nửa đêm, ngủ lại cũng không được, nên dậy tụng kinh Kim Cang và ngồi cho đến sáng. Đến sáng, cậu quyết định đi tìm nơi mà tối qua đã nằm mơ thấy, cậu đi tới những nơi gần đó để tìm xem, vốn dĩ cái cửa nhỏ là gì?

Ô! Nó kia rồi! Cậu vẫn còn nhớ như in cái cửa nhỏ này, đó là cái rãnh nước ở ngoài chuồng heo (nơi chuồng heo người ta đào một cái rãnh để cho phân và nước tiểu của heo chảy ra), chính là nơi tối qua cậu thấy mình đi vào. Bấy giờ cậu cảm thấy lạnh cả xương sống, liền đi tìm người chủ để hỏi thật hư thế nào.

Cậu hỏi:

– Thưa ông chủ! Cho tôi hỏi một chút. Nửa đêm hôm qua có ai đến đây không?

Ông chủ đáp:

– Làm gì có ai, nửa đêm mà đến.

Cậu hỏi:

– Tối qua tôi nằm mộng thấy bảy người đi vào trong đó bằng con đường nhỏ này, chẳng hay bên trong đó có xảy ra việc gì không?

Ông chủ cười và đáp:

– À! Có việc như thế này. Nhà tôi có nuôi heo nái, tối qua heo mẹ sinh được bảy con heo con, sáu con cái và con đực, nhưng con đực vừa sinh ra đã chết rồi.

– Con heo chết ông bỏ đâu? Có thể dẫn tôi đi xem được không?

– Tại sao lại không được nhỉ? Tôi bỏ nó ở bờ rào, cậu theo tôi!

Vừa nhìn thấy con heo đực, cậu biết ngay nó chính là mình, lúc này cậu cảm thấy hai lỗ tai ù ù, không nghe được âm thanh gì hết, trời đất tối om, quay cuồng, đảo lộn, tay chân run rẩy, nói không nên lời (cảm giác của cậu lúc này tôi không thể dùng ngôn từ nào mà lột tả hết được, chỉ có người trong cuộc mới hiểu thấu đáo). Cậu cố gắng chạy về thật nhanh mà miệng luôn lắp bắp: “Nguy… nguy… nguy… hiểm… hiểm… quá… quá!”. Tối hôm qua nếu không có thần Kim Cang quát cậu: ” Người tụng kinh Kim Cang không được phép vào nơi này”, và không dùng chày nện lên đầu cậu chắc chắn bây giờ cậu đã làm heo rồi. Sau khi tỉnh táo trở lại, cậu đến núi Phổ Đà xin xuất gia. Phương trượng núi Phổ Đà hỏi cậu:

– Tại sao ông muốn xuất gia? (tức là hỏi động cơ nào khiến ông đi xuất gia).

Cậu bèn đem tất cả mọi việc kể cho Phương trượng nghe. Nghe xong, Phương trượng nói:

– Như vậy cậu là người rất có thiện căn.

Nhân đó, Phương trượng đặt pháp danh cho cậu là “Liễu Tình”. Cho nên, gọi thầy là “Liễu tình Hòa Thượng”.

Mọi người khi nằm mộng cần phải đặt biệt chú ý, nhất là những bạn thanh niên, dù gặp thiếu nữ rủ cũng không đi. Các bạn có thể trả lời: “Tôi không đi đâu! Tôi có con đường của tôi!”. Muốn đạt được chính niệm như thế, cần phải luyện tập niệm Phật trong mộng. Nếu trong giấc mộng không có khả năng niệm Phật, mà còn bị giấc mộng lôi kéo thì thật nguy hiểm! Cổ đức có bài thi:

Nhất trán cô đăng chiếu dạ đài
Thượng sàng thoát khước miệt hòa hài
Thức thần diểu diểu tùy mộng khứ
Vị tri minh triêu lai bất lai?

Tạm dịch:

Một ngọn đèn con chiếu đêm dài
Lên giường cởi bỏ giày và tất
Thần thức mịt mờ đi theo mộng
Ngày mai không biết sẽ ra sao?

Chính là nói lúc ngủ cần phải để một ngọn đèn sáng hiu hiu, đây là thói quen của tất cả người dân chúng ta từ xưa đến nay, nên mới nói: “Một ngọn đèn con chiếu đêm dài”. “Lên giường cởi bỏ giày và tất”. Lúc đi ngủ cần phải bỏ cởi giày và tất. “Thần thức mịt mờ đi theo mộng”. Nếu ta không có sự tu tập, không có chính niệm niệm Phật, lúc đó thần thức của chúng ta sẽ mờ mờ mịt mịt luôn đi theo giấc mộng. “Ngày mai không biết sẽ ra sao”. Lúc nằm ngủ mà giống như Hòa thượng Liễu Tình thì thật nguy hiểm, nếu không nhờ thần Kim Cang đánh, chắc chắn sẽ không trở lại, sáng mai có còn hay không, không ai có thể biết được.

Trên đời này, không có ít trường hợp nằm ngủ rồi mới chết luôn. Có người cho rằng: ” Nhờ có tu hành, mới chết như vậy, không có sự thống khổ thì tốt chớ sao!”. Chết như thế này cũng không bảo đảm cho mấy, nếu trong mộng mà đi theo chư thiên và cõi trời thì chúng ta thừa nhận có thể tốt. Nhưng, vạn người chỉ có một mà thôi, còn toàn bộ giống như hòa thượng Liễu Tình cả, nếu chết như vậy không được gọi là có tu được! Đây chính là nói: phải luyện tập trong mộng. Nếu như trong mộng nhớ niệm Phật, thì khi lâm chung sẽ có chính niệm và sẽ nắm chắc được con đường vãng sinh.

Trích Tư Lương Người Tu Tịnh Độ
Tác giả: Pháp sư Hội Tính
Dịch giả: Đạo Quang

Xin tham khảo thêm: Giải Pháp Giúp Niệm Phật Trong Lúc Ngủ

 

Hành trì cho thiết thật Bài hát: Hành Trì Cho Thiết Thật
Nhạc: La Tuấn Dzũng
Lời: Cố HT Thích Thiền Tâm
Trình bày: Hương Giang
Phóng tác điệu dân ca Lý Chiều Chiều
Lặng nhìn ra chốn tỉnh lâu
Chốn tỉnh lâu, tỉnh lâu
Thấy trăng tròn là trăng sáng
Lắng nghe gió thoảng canh thâu
Lắng nghe gió thoảng canh thâu
Bát nhã hương lòng nhẹ, hương lòng nhẹ đưa
Tinh tấn niệm Phật Di Đà
Tinh tấn niệm Phật Di Đà
Phật tâm, Phật tâm là chung một vẻ
Cùng là cùng Phật tâm
Thiền Tịnh chẳng có hai mầu
Thiền Tịnh chẳng có hai mầu
Ngưng chuỗi, thầm riêng hỏi
Riêng hỏi, hỏi ta
Hoa đêm điểm điểm đầu
Hoa đêm điểm điểm đầu.

Nhờ Con Tạo Tượng Đại Thế Chí Cha Thoát Khỏi Địa Ngục

Nhờ Con Tạo Tượng Đại Thế Chí Cha Thoát Khỏi Địa NgụcCha của ông Lý Triệu Đải, người huyện Du ở Ung Châu, nhân hủy báng Phật pháp, mộng thấy thần quở trách, mang bệnh thổ huyết rồi chết. Triệu Đài kính thành quy y Đại Thế Chí, niệm danh hiệu Phật, Bồ tát cầu nguyện cho cha. Ông lại thuê thợ giỏi tạo kim thân đức Đại Thế Chí cao ba thước để cúng dường. Ngày khởi công, đất khắp nơi bỗng rung chuyển, nhiều người cho là cơn địa chấn, luận bàn tốt xấu phân vân. Hai tháng sau tượng thành, Triệu Đải mộng thấy một vị kim thân, đầu đội bảo quan, đến nói:

– Ta là Đại Thế Chí Bồ tát. Ngươi có biết nguyên do cơn động đất hôm trước chăng? Đó là do ngươi phát nguyện tạo tượng, ta đến đây để chứng minh, khi đặt chân xuống thế giới này, cõi đại thiên rung động, chúng sinh trong đó đều được thoát khổ. Ta y theo môn niệm Phật chứng vào Vô sinh nhẫn, nhiếp thủ chúng sinh niệm Phật ở mười phương. Ngươi tạo tượng ta lại niệm Phật, nên ta đã cứu cha ngươi thoát khỏi địa ngục, đưa về Tịnh Độ.

Lý Triệu Đải nghe nói, chắp tay chiêm ngưỡng Bồ tát, vừa muốn cúi xuống đảnh lễ, bỗng giật mình thức giấc. Ông vừa vui mừng vừa cảm động, từ đó chuyên niệm Phật không biếng trễ.

Trích lục: Tư Mạng Chi

Niệm Phật Nhất Tâm Bất Loạn

Niệm Phật Nhất Tâm Bất LoạnKhi một hành giả đạt đến trình độ nhất tâm là có thể nói là: “Niệm mà chẳng niệm”, nghĩa là vẫn niệm nhưng chẳng có thêm vào một ý niệm là có ta đang niệm. “Chẳng niệm mà niệm”, lúc này, danh hiệu Phật cứ tuôn chảy tự nhiên như dòng thác mà chẳng gián đoạn. Do đó, quý vị thấy căn bản của nhất tâm là không có tâm phân biệt “niệm” hay “không niệm”, “phân minh” hay “không phân minh”. Khi tu tập, tránh trường hợp thấy mình niệm Phật rất hay rất tốt, không có vọng niệm, đây chẳng phải là nhất tâm mà là loạn tâm. Vì sao vậy? Vì họ còn có cảm giác, còn có cảm giác mình niệm rất tốt! đọc tiếp ➝

Kinh Hành Niệm Phật Thoát Nạn Bom Nổ

Kinh Hành Niệm Phật Thoát Nạn Bom NổMột buổi sáng rằm, đầu mùa đông ngoài trời se lạnh, nhưng trong căn phòng khách cửa mở ra hướng Nam không bị gió thổi xốc vào nên cũng khá ấm áp. Tôi xông một ít trầm hương để ngay giữa bàn, hương trầm thơm dìu dịu thanh khiết. Tôi và người bạn đạo ngồi uống trà nhìn theo làn khói trầm mỏng mảnh đang bay ra từ miệng con rồng chạm trổ công phu trên chiếc lư trầm cổ, trong lòng thầm khâm phục người nghệ nhân đúc đồng xa xưa đã cho người đời sau chiêm ngưỡng một tác phẩm thủ công thật tinh xảo.

Tôi bật đầu đĩa nghe một bản nhạc đạo quen thuộc theo lời yêu cầu của anh bạn Phật tử, anh ấy vừa nghe vừa hát theo với một tâm trạng an vui:

“Thầy dạy con nên thường niệm:
Nam mô A Di Đà Phật!
Khi niệm con phải nhất tâm
Cho đời thoát cơn mê lầm
Lòng thành con luôn thường niệm
Nam mô A Di Đà Phật!
Dù trong lúc đang làm gì
Nam mô A Di Đà Phật!
Lời thầy ghi nhớ trong đời
Niệm Phật cho ta thảnh thơi
Niệm Phật thân tâm rạng ngời
Niêm Phật ta có được gì
Niệm Phật cho ta lối đi
Niệm Phật tâm thêm từ bi…”.

Đúng là một bài hát có giai điệu rất hay và ca từ đẹp, không biết tác giả là ai vì trên đĩa CD chỉ ghi tên ca sĩ thể hiện chứ không thấy ghi tên nhạc sĩ sáng tác. Bài hát ngọt ngào cất lên tươi mát như dòng suối hiền hòa tinh khiết, khiến cho người lớn và trẻ con đều rất thích. Cả nhà tôi từ lớn đến bé kể cả ông khách quý đang ngồi uống trà với tôi đây đều thuộc bài hát này và ngân nga hát theo với cái tâm tràn đầy niềm hỷ lạc. Đặc biệt ca từ như một bài pháp ngắn gọn dễ hiểu bằng một thứ ngôn ngữ âm nhạc phong cách R&B chậm rãi, nên rất dễ ăn sâu trong lòng công chúng yêu nhạc đạo như chúng tôi. Toàn bài rất nhiều câu “Nam mô A Di Đà Phật” như một chuỗi niệm Phật, niệm danh hiệu Ngài chỉ có 6 âm thôi, nhưng những thanh âm kỳ diệu ấy khiến cho lòng ta thêm phấn chấn và hoan hỷ.

Phật giáo Ấn Độ xưng tụng danh hiệu Phật theo âm điệu và phong vận của Ấn Độ, khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa thì biến hóa theo âm điệu của người Trung Hoa, khi Phật giáo truyền đến châu Mỹ, châu Âu… cũng tự nhiên biến hóa theo cách của nước sở tại và khi Phật giáo truyền sang Việt Nam cũng biến hóa theo âm điệu của đất nước ta. Cho dù niệm “A Di Đà Phật” theo giọng Bắc, Trung hay Nam cũng đều hay, thật ra chỉ cần niệm Phật hiệu là tốt rồi. Vì Đức Phật A Di Đà là Vô Lượng Quang chiếu sáng vô lượng chúng sanh. Ngài còn được gọi là Vô Ngại Quang, cho nên dùng âm điệu hay phong vị nào thì đối với Ngài cũng không chướng ngại. Lại nữa, Đức Phật A Di Đà còn là Hoan Hỷ Quang và Giải Thoát Quang, cho nên niệm thế nào cũng được hoan hỷ, cũng có thể giải thoát và không khởi phiền não.

Thầy đã giảng cho tôi như vậy và khuyên: “Niệm Đức Phật A Di Đà, tín tâm niệm Phật, không giây phút nào rời Phật. Thế gian vô thường, mạng người khó giữ, khi đi đường tốt nhất quý Phật tử vừa đi vừa niệm Đức Phật A Di Đà thì luôn được tai qua nạn khỏi”. Tôi còn quá nhiều vọng tưởng, nên chưa thực hiện được chuyên cần những lời thầy dạy. May sao có thầy và bạn trong đạo tràng Phật tử cùng sinh hoạt với nhau luôn luôn nhắc nhở tôi. Và tôi cũng thấy đây là một pháp môn tu làm cho tâm thanh thản, cho nên dù công việc có bận rộn, tôi cố gắng luyện tập, khi đi đường thì mỗi bước niệm “A Di Đà Phật”. Sau một thời gian dài thực tập nuôi dưỡng thành thói quen, cứ nhấc chân bước một bước thì trong lòng tự động niệm thầm một tiếng “A Di Đà Phật”. Đi trong chánh niệm tỉnh thức và niệm thầm “A Di Đà Phật” quả nhiên đã cứu mạng tôi, khiến tôi tránh được một nạn lớn.

Đó là một buổi trưa Chủ nhật, cách đây hai tuần, trên con đường đi bộ từ nhà tới khu chợ xép khoảng 300 mét. Đó là công việc thường nhật của tôi, trưa nào cũng vậy, tôi bới cơm trưa cho bà nhà tôi đang bán tại quầy trái cây ngoài chợ. Tôi vừa đi vừa niệm “A Di Đà Phật”, đi được một nửa quãng đường gặp người bạn đạo (anh bạn ngồi uống trà với tôi sáng hôm nay đây), anh ấy đi ngược chiều gọi tôi quay lại nói chuyện khoảng 5 phút. Bỗng tôi cảm thấy sau lưng có một ánh chớp rất mạnh và tiếp theo đó là một tiếng nổ dữ dội cách chỗ tôi đứng không xa, khoảng 20 mét. Sự chấn động và sức ép của tiếng nổ làm cho đất đá văng tới khiến cho tôi và anh bạn tức ngực, nhưng chúng tôi không sao cả. Tôi tưởng rằng chiếc lốp ô tô của ai đó đậu bên đường bị nổ, chúng tôi ngồi xuống lấy hai tay ôm đầu rồi cứ một mực niệm Phật, chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Sau tiếng nổ có người la lên: “Bom bi nổ, có người chết và người bị thương”. Trong đầu óc tôi lúc đó nghĩ rất đơn giản, chiến tranh đã qua lâu rồi, bom mìn đã được rà phá nhiều rồi, làm gì có bom nổ ở một đường phố đông đúc như thế này, nhưng tôi đã thấy rõ ràng xe cấp cứu đến và các y tá khiêng lên xe ba người bị thương khá nặng máu me vung vãi cả mặt đường. Ngày Chủ nhật đẹp như vậy, ai ngờ xảy ra một thảm họa khôn lường.

Sau vụ nổ người ta mới tìm ra nguyên nhân, hóa ra có một thanh niên trẻ sống bằng nghề đi rà phế liệu chiến tranh, anh ta đang trên đường đi đến chỗ thu mua phế liệu để bán những gì anh ta kiếm được trong buổi sáng, giữa đường bánh xe đạp của anh ta bị trục trặc, nên anh ta lấy ra một cục sắt trong bao phế liệu mà anh ta kiếm được, dùng để thay búa gõ vào trục sau cho vành xe trở về vị trí cũ (có lẽ do một chiếc ốc nào đó bị long ra). Nhưng không ngờ cục sắt cầm trên tay vì chôn trong lòng đất quá lâu ngày bị rỉ sét, nên anh không thể nhận ra đây là quả bom bi, vì vậy mới xảy ra chuyện đáng tiếc khiến anh ta và vài người đi đường bị thương rất nặng, rất may là không ai tử vong.

Chúng ta thường thấy trong kinh Phật nói: “Mạng người vô thường trong hơi thở”, quả không sai tí nào. Đời người là giả tạm và hư ảo, thân thể của chúng ta giống như bọt xà bông, bất cứ lúc nào cũng có thể vỡ tan, nay tuy còn khỏe mạnh nhưng cũng khó giữ gìn. Rõ ràng như vậy đó, nhưng cũng còn có người không để ý tới, rồi khi tai họa xảy đến thì đã muộn rồi. Tôi tính từ địa điểm và thời gian của vụ nổ mà suy ra, nếu như không có anh bạn đạo gọi tôi quay lại kịp thời, thì nhất định tôi sẽ đến ngay chỗ anh chàng thanh niên rà phế liệu đúng thời điểm bom bi phát nổ và ít nhất tôi cũng bị thương. Tôi tin chắc rằng mình được Phật lực gia hộ, vì trong khi đi tôi cứ niệm “A Di Đà Phật” theo từng bước, nên mới thoát được vụ nổ bom bi này.

Tôi đem câu chuyện này kể với thầy và các vị Phật tử trong đạo tràng, họ đều cảm nhận được khi niệm “A Di Đà Phật”, Đức Phật luôn ở bên ta; cảm nhận được năng lực cứu độ nhiệm mầu của Đức Phật khiến cho thân tâm tôi được bình an và thoát nạn. Thầy tôi dạy: Lòng từ bi của Đức Phật thì bình đẳng, không phân biệt sang hèn thiện ác; ai niệm Phật tức là cảm ứng với Đức Phật nên Ngài đến kịp thời để cứu độ. Chính lòng từ bi của Đức Phật đã cảm ứng, cứu độ hộ trì.

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, buổi sáng mùa đông se lạnh, nhưng căn phòng như ấm cúng hẳn lên bởi khói trầm thơm và tiếng hát của một bài nhạc đạo vẫn ngọt ngào ngân lên, niềm an vui tràn ngập cả căn phòng gồm hai người bạn đạo. Tôi và anh bạn nhớ lại câu chuyện bom bi nổ, không khỏi rùng mình hú vía, bỗng hai đứa cùng bật cười rộn rã cả căn phòng, có lẽ chúng tôi đã ngộ ra được một điều gì đó trong cuộc tồn sinh giữa chốn Ta bà, và không ai bảo ai, chúng tôi cùng ngân nga theo bài hát ấy:

“…Nam mô A Di Đà Phật!
Lời thầy ghi nhớ trong đời
Niệm Phật cho ta thảnh thơi
Niệm Phật thân tâm rạng ngời
Niệm Phật ta có được gì
Niêm Phật cho ta lối đi
Niệm Phật tâm thêm từ bi…”

Theo Giác Ngộ
Tựa đề gốc: Hòa âm linh diệu
Tác giả: Lê Đàn